Nên hay không việc bình thường hoá OT trong văn hoá làm việc hiện đại?
Thời gian vừa qua, mạng xã hội có dịp xôn xao với một bài viết cho rằng những nhân viên sẵn sàng làm thêm giờ (OT) là những người thực sự có tâm và trách nhiệm với công việc, từ đó sẽ được đánh giá cao hơn những người chỉ làm việc đúng giờ quy định và từ chối yêu cầu OT. Bài viết này sau đó đã nhanh chóng trở thành tâm điểm của nhiều cuộc tranh luận với sự đóng góp ý kiến của nhiều cấp bậc, từ cấp quản lý, những người có sức ảnh hưởng cho đến nhân viên. Một bên cho rằng thế hệ trẻ, đặc biệt là Gen Z, thiếu trách nhiệm, thích bay nhảy và sẵn sàng "bật" sếp khi có yêu cầu làm thêm giờ. Bên kia lại phản bác, cho rằng việc bắt buộc làm thêm giờ và thái độ làm việc quá "cày cuốc" là không phù hợp với thời đại mới, không công bằng và không bền vững.
Vậy, OT có phải là thước đo đúng đắn cho sự tận tâm và thành công trong công việc? Liệu chúng ta có thực sự phải hy sinh thời gian cá nhân để chứng tỏ mình và liệu có giải pháp nào để làm việc hiệu quả mà không cần OT? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau!
OT là gì?
Thuật ngữ OT (overtime) được dùng để chỉ việc làm thêm giờ ngoài giờ làm việc chính thức của doanh nghiệp. Theo quy định của Bộ luật Lao động Việt Nam, thời gian làm việc bình thường không quá 8 giờ/ngày và không quá 48 giờ/tuần. Tại hầu hết các doanh nghiệp hiện nay, số giờ người lao động làm việc trong một tuần thường nằm trong khoảng 40 giờ/tuần. Mọi thời gian làm việc vượt quá mức quy định trên đều được coi là làm thêm giờ.
Nói một cách dễ hiểu, một nhân viên văn phòng có giờ làm việc theo thoả thuận của hợp đồng lao động là từ 8h sáng đến 5h chiều. Nếu nhân viên này làm việc đến 7h tối để hoàn thành một dự án, thì 2 tiếng làm thêm từ 5h đến 7h được tính là OT.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc OT, nhưng nhìn chung, việc làm thêm ngoài giờ có thể được chia ra làm 2 loại:
- OT tự nguyện: Nhân viên tự nguyện làm thêm giờ để hoàn thành công việc, học hỏi thêm kinh nghiệm hoặc tăng thu nhập.
- OT bắt buộc: Nhân viên bị buộc phải làm thêm giờ do yêu cầu của công ty, dù không muốn.

Có nên bình thường hóa chuyện OT trong công việc?
Trong môi trường làm việc hiện đại, OT đã trở thành một phần không thể thiếu tại nhiều công ty, đặc biệt là trong các ngành nghề đòi hỏi sự linh hoạt và đáp ứng nhanh chóng với thay đổi. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, người lao động trên toàn cầu đang phải đối mặt với gánh nặng công việc ngày càng tăng. Theo một khảo sát của NordVPN Teams, áp lực xã hội đã buộc nhiều người lao động phải dành thêm trung bình 2,5 giờ mỗi ngày để hoàn thành công việc. Nghiên cứu của ADP Research Institute cũng chỉ ra một thực tế đáng báo động: nhân viên trên toàn thế giới đang phải làm thêm giờ không lương trung bình 9,2 giờ mỗi tuần. Đặc biệt, trong các ngành công nghiệp sáng tạo, công nghệ thông tin và dịch vụ khách hàng, tình trạng làm thêm giờ diễn ra phổ biến hơn cả, với những yêu cầu về deadline khắt khe và khối lượng công việc lớn.
Việc làm thêm giờ (OT) quá mức không chỉ đơn thuần là làm việc nhiều hơn mà còn mang đến những hệ lụy nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tinh thần và cuộc sống của người lao động. Những tác hại này thường diễn ra âm thầm nhưng lại để lại những hậu quả lâu dài. Một số hệ quả tất yếu của việc OT có thể kể đến như:
- Ảnh hưởng sức khỏe tinh thần: Làm việc quá giờ có thể dẫn đến căng thẳng, mệt mỏi, và lo âu. Theo một nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), làm việc trên 55 giờ mỗi tuần tăng nguy cơ đột quỵ và bệnh tim mạch lên đến 35%. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng kiệt sức trong công việc - vốn đã trở nên phổ biến với giới trẻ những năm gần đây.
- Hiệu suất công việc giảm sút: OT không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với hiệu quả cao. Nhiều nghiên cứu cho thấy sau một khoảng thời gian làm việc dài, hiệu suất công việc của nhân viên bắt đầu giảm do mệt mỏi và thiếu tập trung. Bên cạnh đó, căng thẳng do làm việc liên tục còn khiến người lao động dễ mắc sai sót trong công việc, gây ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và dịch vụ.
- Mất cân bằng giữa cuộc sống cá nhân và công việc: OT kéo dài gây mất cân bằng, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống cá nhân và gia đình. Nhân viên không có đủ thời gian cho gia đình, bạn bè và các hoạt động cá nhân khác, dẫn đến sự không hài lòng và thiếu động lực trong công việc.

Từ những hệ quả trên, có thể dễ dàng thấy rằng OT trong công việc là điều không nên. Tuy nhiên, để có cái nhìn toàn diện, chúng ta cần xem xét kỹ hơn những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Dưới đây là một số nguyên nhân dẫn đến OT:
- Xuất phát từ nhân viên:
- Thiếu kỹ năng, kinh nghiệm: Khi nhân viên chưa đủ năng lực để hoàn thành công việc trong thời gian quy định, họ buộc phải dành thêm thời gian để làm việc. Điều này đặc biệt phổ biến ở những vị trí mới hoặc khi có những thay đổi trong công việc.
- Chủ động OT để học hỏi: Một số nhân viên tự nguyện làm thêm giờ để nâng cao kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm và có cơ hội tiếp xúc với nhiều công việc khác nhau. Họ xem đây là một cách để phát triển và tăng giá trị cho bản thân.
- Xuất phát từ công việc:
- Tính chất công việc theo dự án, mùa vụ: Những dự án có tính chất gấp gáp, đòi hỏi phải hoàn thành trong thời gian ngắn, thường khiến nhân viên phải làm thêm giờ để đảm bảo tiến độ. Đặc biệt trong môi trường truyền thông - sáng tạo - quảng cáo, khi đến mùa cao điểm như dịp Tết hay mùa lễ hội, các agency thường phải làm việc hết công suất để hoàn thành các chiến dịch ngắn hạn. Điều này khiến nhân viên phải làm thêm giờ để xử lý một khối lượng lớn công việc và đảm bảo mọi thứ được chuẩn bị chu đáo theo yêu cầu của khách hàng.
- Công việc phát sinh khẩn cấp: Trong nhiều trường hợp, công việc không phải lúc nào cũng diễn ra theo đúng kế hoạch. Những sự cố bất ngờ, chẳng hạn như lỗi hệ thống, sự cố kỹ thuật, hay những thay đổi đột ngột trong yêu cầu của khách hàng, có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đòi hỏi nhân viên phải nhanh chóng tìm ra giải pháp để khắc phục tình hình và đảm bảo hoạt động kinh doanh của công ty.
- Xuất phát từ doanh nghiệp:
- Đặt KPI không phù hợp: Doanh nghiệp đặt ra các mục tiêu không thực tế hoặc không phù hợp với năng lực của nhân viên, dẫn đến khối lượng công việc quá tải, buộc nhân viên phải làm việc thêm giờ.
- Thiếu kế hoạch quản lý và phân bố công việc hợp lý: Kế hoạch và quản lý công việc kém, phân công không rõ ràng, dẫn đến tình trạng quá tải công việc cho nhân viên.
- Văn hoá doanh nghiệp "cày cuốc": Một số doanh nghiệp có văn hóa làm việc khắc nghiệt, coi việc OT là điều bình thường và cần thiết, thiếu sự linh hoạt và quan tâm đến sức khỏe nhân viên.
Tùy trường hợp mà chúng ta mới có thể đánh giá liệu OT là đúng hay sai. Trong khi việc làm thêm giờ tự nguyện xuất phát từ mong muốn nâng cao bản thân và đóng góp cho công ty thường được khuyến khích, thì việc bắt buộc nhân viên làm thêm giờ lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Theo luật lao động và các quy định của nhà nước, việc bắt buộc OT mà không có sự đồng ý của nhân viên hoặc không đảm bảo quyền lợi của họ đều được xem là vi phạm.

Trở lại với sự việc gây tranh cãi vừa qua, việc đánh giá quan điểm “nhân viên phải chấp nhận OT thì mới được đánh giá cao” là đúng hay sai không hề đơn giản. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như lý do OT, quy định của công ty, sự công bằng trong phân chia công việc, mức lương, và thậm chí cả thái độ làm việc của từng cá nhân.
Trong một số trường hợp, nhân viên trong giờ làm việc thường xuyên mất tập trung, làm việc riêng, không hoàn thành tiến độ công việc nên buộc phải OT. Lúc này, việc OT không đồng nghĩa với làm việc chăm chỉ hoặc có hiệu suất cao. Thay vào đó, nó phản ánh vấn đề về quản lý thời gian, sự tập trung và trách nhiệm của nhân viên. Vì thế, suy cho cùng, cốt lõi của vấn đề chủ yếu vẫn nằm ở cách giao việc và làm việc hiệu quả, qua đó đảm bảo sự cân bằng và phát triển bền vững cho cả nhân viên và doanh nghiệp.
Làm thế nào để làm việc hiệu quả mà không cần phải OT?
Dẫu biết rằng làm thêm giờ thường xuyên không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn làm giảm hiệu suất làm việc, nhưng với nhịp sống và văn hoá làm việc hối hả của nhiều ngành nghề trong thời đại hiện nay, làm thế nào để nhân sự có thể hoàn thành công việc một cách hiệu quả mà không cần phải làm thêm giờ? Câu trả lời nằm ở việc thay đổi cách chúng ta làm việc, cả ở cấp độ cá nhân và doanh nghiệp.
- Đối với cá nhân
- Quản lý thời gian hiệu quả: Quản lý thời gian là một kỹ năng quan trọng giúp nhân viên hoàn thành công việc đúng hạn mà không cần phải OT. Hãy xác định rõ các nhiệm vụ cần làm, học cách lập kế hoạch và sắp xếp công việc theo mức độ ưu tiên. Đồng thời, việc sử dụng các công cụ quản lý thời gian như to-do list, ứng dụng quản lý dự án (Trello, Asana) hoặc đơn giản là một cuốn sổ tay để theo dõi tiến độ công việc sẽ giúp bạn làm việc một cách khoa học và hiệu quả hơn.
- Biết cách từ chối nếu công việc và KPI không hợp lý: Biết cách từ chối một cách lịch sự và chuyên nghiệp khi công việc và KPI được giao không hợp lý là một kỹ năng cần thiết. Đừng ngần ngại trao đổi với cấp trên về khối lượng công việc hiện tại của bạn. Thay vì chỉ từ chối, hãy đưa ra các gợi ý về cách phân chia công việc và các phương án khả thi để đảm bảo công việc được hoàn thành tốt nhất mà không cần phải OT.
- Xây dựng thói quen làm việc khoa học: Thói quen làm việc khoa học bao gồm việc duy trì môi trường làm việc gọn gàng, tập trung, sắp xếp tài liệu hợp lý và tuân thủ quy trình làm việc đã đề ra nhưng vẫn đảm bảo bản thân có khoảng nghỉ ngắn giữa các giờ làm việc để thử giãn và lấy lại năng lượng. Điều này không chỉ giúp tăng hiệu suất mà còn giảm thiểu thời gian tìm kiếm tài liệu và xử lý công việc không cần thiết.
- Linh hoạt và biết cách ứng xử phù hợp với những công việc phát sinh: Khi có công việc phát sinh, điều quan trọng là bạn phải đánh giá tính cần thiết và khẩn cấp của nó. Nếu thật sự cần thiết, việc OT thể hiện tính chuyên nghiệp, chủ động và nghiêm túc với công việc, và điều này sẽ được đánh giá cao. Trong trường hợp công việc không cấp bách và không ảnh hưởng nặng nề đến vận hành của doanh nghiệp, bạn có thể chủ động phản hồi một cách khéo léo rằng bạn đã nhận thông tin và sẽ xử lý sau, giúp đồng nghiệp hiểu rõ tình hình và tránh việc OT không cần thiết.

- Đối với doanh nghiệp:
- Tổ chức lại quy trình làm việc: Doanh nghiệp cần xem xét và tổ chức lại quy trình làm việc sao cho hiệu quả hơn. Điều này có thể bao gồm việc tối ưu hóa các bước làm việc, loại bỏ các khâu không cần thiết và áp dụng công nghệ để tự động hóa một số công việc thủ công cũng như quản lý khối lượng công việc của nhân viên hiệu quả hơn.
- Xây dựng văn hoá doanh nghiệp lành mạnh: Văn hóa doanh nghiệp là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tinh thần và hiệu suất làm việc của nhân viên. Doanh nghiệp nên xây dựng một môi trường làm việc thân thiện, khuyến khích sự sáng tạo và chia sẻ, có kế hoạch cụ thể về việc khen thưởng cho nhân viên có hiệu suất làm việc tốt, đồng thời tôn trọng cân bằng giữa công việc, cuộc sống và thời gian nghỉ ngơi của nhân sự.
- Hiểu đúng về năng lực và đào tạo nhân viên về kỹ năng làm việc hiệu quả: Việc đặt ra các mục tiêu phù hợp với tình hình kinh doanh và năng lực của nhân sự là điều cần thiết. Tránh đặt ra những mục tiêu quá cao và gây áp lực cho nhân viên. Phân công công việc phù hợp với năng lực của từng người và đầu tư vào việc đào tạo giúp nâng cao năng lực và tối ưu hiệu quả làm việc. Điều này không chỉ giúp nhân viên hoàn thành công việc nhanh chóng hơn mà còn nâng cao chất lượng công việc và giảm thiểu tình trạng OT.

Tóm lại, thay vì tranh cãi chuyện nên hay không chuyện bình thường hoá OT trong công việc, các nhân sự và doanh nghiệp cần chủ động tìm ra những giải pháp thiết thực giúp giải “bài toán” giao việc hợp lý và làm việc hiệu quả trong thời gian quy định. Điều này giúp tạo ra một môi trường làm việc chuyên nghiệp và cân bằng, vừa giúp đảm bảo sức khỏe tinh thần của nhân viên, vừa đảm bảo hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp.