Không còn là kỹ thuật dành riêng cho marketing hay truyền thông, storytelling đang trở thành “vũ khí mềm” giúp HR xây văn hóa, truyền cảm hứng và giữ chân nhân tài trong thời đại mới.
Trong khi việc tuyển dụng ngày càng thuận lợi nhờ công nghệ và mạng xã hội, giữ chân nhân tài lại trở thành bài toán nan giải với nhiều doanh nghiệp. Người đi làm cần một lý do để ở lại doanh nghiệp, một cảm giác được hiểu và được gắn kết với điều gì đó có ý nghĩa.
Các phòng nhân sự họp để “xây dựng văn hóa”, “nâng cao trải nghiệm nhân viên”, hay “cải thiện mức độ gắn kết”. Nhưng từng lớp nhân viên vẫn âm thầm rời đi, mang theo nỗi thất vọng mà không ai thực sự chạm đến. Câu hỏi vẫn lặp lại: “Chúng ta đã làm sai ở đâu?”
Có thể, vấn đề nằm ở khoảng trống cảm xúc. Khi những gì nhân viên nhận được chỉ là con số, chỉ tiêu và chính sách, thì điều họ thực sự cần là sự kết nối, lòng tin và cảm hứng lại vắng bóng. Trong khoảng trống đó, kỹ năng kể chuyện (storytelling) trở thành một năng lực cốt lõi mà người làm nhân sự không thể thiếu.
Vì sao HR cần biết kể chuyện?
Storytelling không còn là kỹ thuật dành riêng cho marketing hay truyền thông. Với HR, đó là một năng lực chiến lược, giúp tạo kết nối sâu sắc với con người, từ người mới đến những nhân viên lâu năm đang dần mất động lực.
Harvard Business Review phát hiện ra rằng 75% nhân viên muốn trải nghiệm tính chân thực hơn tại nơi làm việc. Mong muốn kết nối chân thành này nhấn mạnh tầm quan trọng của những HR leaders có khả năng giao tiếp cởi mở, chia sẻ kinh nghiệm cá nhân và kết nối ý nghĩa với nhân viên.
Bằng cách nắm vững nghệ thuật kể chuyện chân thực (authentic storytelling), các HR leaders có thể xây dựng niềm tin, thúc đẩy môi trường làm việc tích cực và cuối cùng là thúc đẩy những thay đổi tích cực trong tổ chức của họ.

Giúp nhân viên tìm lại ý nghĩa trong công việc
Khi công việc trở nên lặp lại, thiếu định hướng và mục tiêu cá nhân bị mờ nhạt, nhiều người bắt đầu mất phương hướng. Trong những thời điểm đó, một câu chuyện đơn giản về hành trình thăng tiến của đồng nghiệp, về lý do công ty ra đời, hay về một sáng kiến nội bộ thay đổi cách làm việc có thể thắp lại cảm giác thuộc về.
Storytelling giúp HR leaders chuyển tải thông điệp chiến lược bằng ngôn ngữ cảm xúc, khiến người nghe không chỉ hiểu “công ty đang làm gì”, mà còn thấy rõ vai trò của chính họ trong hành trình ấy.
Gieo giá trị thay vì truyền đạt nội quy
Thay vì đưa ra danh sách các “giá trị cốt lõi” rồi kỳ vọng nhân viên ghi nhớ, HR có thể kể những câu chuyện sống động về thành công của nhân viên và sự thăng tiến trong sự nghiệp.
Ví dụ: một bạn intern đưa ra sáng kiến được cả team ứng dụng, những thời điểm team phải đối mặt với một quyết định đầy thách thức, mắc sai lầm và rút kinh nghiệm từ đó, hoặc phải thay đổi chiến lược do những trở ngại không lường trước được. Những câu chuyện như vậy truyền cảm hứng và khiến giá trị trở nên sống động, thay vì chỉ nằm trên giấy.

Gắn kết đội ngũ trong thời điểm thay đổi
Thời điểm tổ chức tái cấu trúc, thay đổi quy trình hay chuyển hướng kinh doanh thường kéo theo sự bất ổn và lo lắng trong nội bộ. Trong những thời khắc đó, storytelling sẽ giúp nhân viên nhìn thấy bối cảnh lớn, hiểu lý do của sự thay đổi, và tin rằng họ vẫn có vị trí trong tương lai của tổ chức.
Một nghiên cứu tại châu Âu năm 2023 cho thấy, các tổ chức sử dụng storytelling hiệu quả trong truyền thông nội bộ có tỷ lệ giữ chân nhân sự cao hơn 20% so với nhóm đối chứng không dùng đến kỹ năng này.
Kể chuyện thế nào để có giá trị?
Storytelling khác với “PR nội bộ”. Một câu chuyện chỉ có giá trị nếu nó chân thật, chạm đến điều người nghe đang quan tâm và dẫn tới một thay đổi nhận thức.
Dưới đây là những nguyên tắc nền tảng để HR có thể ứng dụng storytelling một cách chiến lược:
1. Lắng nghe trước khi kể
Câu chuyện hay không tự đến, nó được phát hiện từ đời sống thật. Người làm nhân sự cần chủ động quan sát, đặt câu hỏi và ghi nhận những khoảnh khắc đáng giá trong đời sống công sở. Đó có thể là một hành động vượt kỳ vọng, một sáng kiến đột phá, hay chỉ là một lời cảm ơn đúng lúc.

2. Xây dựng kho truyện nội bộ
Đừng đợi đến khi cần kể mới bắt đầu tìm kiếm. HR nên chủ động lưu giữ các câu chuyện quan trọng:
- Hành trình phát triển đáng chú ý của nhân viên
- Những giai đoạn vượt khó của công ty
- Tình huống thể hiện rõ giá trị lõi trong hành vi cụ thể
- Những mẩu chuyện đời thường nhưng chạm tới lòng người
Kho truyện này có thể được lưu dưới dạng: bản viết, hình ảnh, video ngắn hoặc thậm chí là chia sẻ trực tiếp trong các buổi gặp mặt nội bộ, quan trọng nhất là tính xác thực và sự đồng thuận của nhân vật.
Ngoài ra HR còn có thể khuyến khích nhân viên chia sẻ câu chuyện của riêng họ. Có thể thông qua mục bản tin riêng, mục "điểm tin nhân viên" trên mạng nội bộ, hoặc thậm chí là sự kiện kể chuyện toàn công ty. Cách trao quyền cho nhân viên chia sẻ tiếng nói này sẽ giúp nuôi dưỡng văn hóa chân thực và giao tiếp cởi mở.
3. Kể đúng người, đúng lúc, đúng mục tiêu
Không phải câu chuyện nào cũng kể ở bất cứ đâu. Một hành trình vượt khó có thể truyền cảm hứng trong onboarding, nhưng chưa chắc phù hợp để truyền thông các thay đổi liên quan đến chính sách và chế độ. HR cần xác định rõ:
- Mục tiêu kể chuyện: truyền cảm hứng, hướng dẫn hành vi, tạo gắn kết?
- Người nghe là ai: nhân viên mới, lãnh đạo, hay toàn công ty?
- Thông điệp muốn truyền tải: giá trị nào, cảm xúc nào, định hướng nào?
Theo Cerkl (2023), khả năng ghi nhớ nội dung tăng từ 5–10% lên đến 65–70% khi thông tin được trình bày dưới dạng câu chuyện có cảm xúc và cấu trúc rõ ràng. Một con số đủ sức thuyết phục để các tổ chức nghiêm túc đầu tư vào kỹ năng này cho đội ngũ nhân sự.

Kết luận
Storytelling không đơn thuần là một kỹ năng mềm, mà là cách HR tạo nên bản sắc, giữ lửa văn hóa, quan trọng nhất là giữ người bằng cảm xúc và niềm tin.
Giữa thời đại mà mọi thứ đều có thể sao chép, từ chiến lược, sản phẩm đến công nghệ, thì câu chuyện nội bộ là thứ duy nhất không thể sao chép. Và HR chính là người viết nên điều đó mỗi ngày!
Số liệu ghi nhận tính đến thời điểm biên tập bài viết.