Khả năng kết nối chính là chìa khóa giúp bạn dễ dàng hội nhập và học hỏi từ người khác. Xã hội ngày càng rộng mở, việc tạo mối quan hệ và tương tác giữa người với người cũng có nhiều thay đổi trong cách thức và đòi hỏi bạn nhiều kỹ năng hơn. Kỹ năng networking ra đời như là chìa khóa giúp con người phát triển trước tiên ở thế giới công việc, sau đó là phát triển bản thân một cách tối ưu. Với sự phát triển của công nghệ, từ đó kỹ năng networking còn mở rộng trên thế giới online - mạng xã hội. Vậy kỹ năng networking là gì và cần rèn luyện như thế nào để giúp bạn phát triển? Hãy cùng bàn luận qua bài viết sau đây nhé!
Networking là gì và gồm những loại nào?
Khái niệm networking (kết nối xã hội) được hiểu theo nhiều nghĩa rộng. Theo từ điển Cambrigde, “networking” có nghĩa là hoạt động gặp gỡ người khác với mục đích có lợi, thường được dùng trong công việc. Một nghĩa khác rộng hơn theo từ điển này là quá trình kết nối và trò chuyện với người khác để thu thập thông tin cần thiết cho mục tiêu của bạn. Về phạm trù kỹ thuật, networking thường dùng trong ngành mạng máy tính. Nhìn chung, chúng có nghĩa là khả năng kết nối xã hội.
Đi sâu hơn về khái niệm “networking”, có thể thấy việc đạt được hiệu quả khi thiết lập mối quan hệ thường nói đến là mối quan hệ giữa những người cùng ngành nghề, lĩnh vực hoặc ít nhất có cùng mối quan tâm. Ở đó, họ sẽ trao đổi thông tin, kiến thức và cùng nhau tạo ra những cơ hội hợp tác mới - có lợi cho đôi bên.
“Kết nối thành công với người khác không chỉ đơn giản là nhận lấy những gì bạn cần. Kết nối là nhận lấy những gì bạn cần và đảm bảo những người quan trọng trong mạng lưới phải nhận được những gì họ cần trước đã”, trích Đừng bao giờ đi ăn một mình - một cuốn sách nổi tiếng về kỹ năng networking. Như vậy, kỹ năng kết nối xã hội phải xây dựng dựa trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi thì mới bền vững và hiệu quả.
Với khái niệm đó, networking có thể chia ra nhiều loại dựa theo quy mô hoặc hình thức kết nối như:
- Kết nối 1:1: giữa bản thân và đồng nghiệp/đối tác/cấp trên
- Kết nối theo nhóm: làm việc theo nhóm 2 người trở lên
- Kết nối theo tổ chức: trong môi trường rộng lớn nhiều phòng ban, nhiều bộ phận
- Kết nối trực tiếp: các buổi hội thảo, giao lưu, tọa đàm hoặc sự kiện trực tiếp (offline)
- Kết nối online: giao tiếp và kết nối qua các trang mạng xã hội (Facebook, Linkedin, Tiktok….)
Dù với hình thức nào, có thể thấy kỹ năng networking quy về 02 nhóm chính là: trực tiếp hoặc gián tiếp (online). Kỹ năng này liên quan mật thiết đến kỹ năng giao tiếp hiệu quả bằng văn bản hoặc lời nói. Bên cạnh đó, khả năng kết nối xã hội còn đòi hỏi bạn phải biết cách thể hiện bản thân một cách hiệu quả, phù hợp mà bạn hoàn toàn có thể rèn luyện được để đạt mục đích networking.
Vai trò của networking với sự nghiệp và cá nhân
Vai trò lớn nhất của networking chính là khả năng giúp bạn mở rộng mạng lưới các mối quan hệ có ý nghĩa cho công việc và bản thân. Bạn sẽ thường nhìn thấy rất nhiều doanh nhân, các lãnh đạo đứng đầu doanh nghiệp tổ chức hoặc tham gia nhiều hoạt động networking từ các buổi tọa đàm, giao lưu. Đó chính là cách họ tạo ra các cơ hội hợp tác giúp phát triển việc kinh doanh. Thậm chí, đó còn là cách họ tự tiếp thị chính sản phẩm và nhân hiệu của mình. Theo một nghiên cứu từ Tiến sĩ Ivan Misner, nhà sáng lập thương hiệu BNI (Business Connection) và các cộng sự, 73% doanh nghiệp cho biết phần lớn hoạt động kinh doanh của họ đến từ mạng lưới và giới thiệu .
Khả năng kết nối xã hội tốt cũng là chìa khóa giúp bạn tăng cơ hội tìm kiếm công việc phù hợp thông qua việc tìm kiếm mối quan hệ trong ngành, nhà tuyển dụng và thể hiện thương hiệu cá nhân để người khác nhận diện và nghĩ đến bạn khi có cơ hội việc làm phù hợp. Điều này xảy ra khá thường xuyên và hiệu quả đối với những người làm việc trong lĩnh vực Marketing, sáng tạo; các KOL, influencers, bán hàng online…
Bên cạnh đó, kỹ năng networking tốt sẽ là cơ hội để bạn gặp gỡ và học hỏi từ những người giỏi hơn, giúp bạn phát triển về tư duy và học kinh nghiệm từ thất bại/thành công của người khác. Chẳng hạn bạn đang tìm hiểu về giảm cân và bạn tham gia vào cộng đồng giảm cân hay; bạn đang muốn kinh doanh quán cà phê, bạn đến các buổi giao lưu chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ những người đi trước, thậm chí là hợp tác cùng họ.
Networking online - kỹ năng mới thời đại số
Từ sau đại dịch, có thể thấy kỹ năng networking online là kỹ năng cực kỳ quan trọng trong thời đại số với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. Công nghệ cho phép bạn mở rộng mạng lưới mối quan hệ vượt châu lục. Đó có thể là cơ hội làm việc xuyên quốc gia với hình thức làm việc từ xa (remote working) hay là trao đổi - tìm kiếm cơ hội thông qua mạng xã hội mà không cần gặp mặt trực tiếp.

Online networking tiện ích và rộng mở hơn cho tất cả mọi người. Song cũng bởi những đặc thù khác biệt của từng công cụ networking online mà người sử dụng cần phải cân nhắc, học hỏi và cập nhật liên tục để đạt hiệu quả. Online networking còn là câu chuyện về việc xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội. Bởi với mạng lưới rộng khắp, ai cũng có thể xem và quan sát bạn từ xa, đánh giá bạn qua những gì bạn chia sẻ trên mạng.
Có thể kể đến Linkedin - mạng xã hội dành cho công việc lớn nhất - nơi giao lưu của rất nhiều nhà tuyển dụng, doanh nhân, doanh nghiệp…tìm kiếm cơ hội mở rộng mạng lưới mối quan hệ cho công việc. Hay các mạng xã hội phổ biến như Facebook, Instagram, Tiktok cũng là môi trường online networking để bạn vừa học hỏi, khám phá đa dạng góc nhìn, vừa tạo dựng nhân hiệu để kết nối những cơ hội phát triển bản thân. Bạn cũng có thể tìm kiếm các cộng đồng chuyên một lĩnh vực cụ thể để kết nối, giao lưu và học hỏi kiến thức chuyên ngành như: Happynest (Cộng đồng về nội thất tại Việt Nam); Quora (Cộng đồng hỏi - đáp); Cookpad (Cộng đồng dành cho người nấu ăn không chuyên tại Việt Nam)...
Làm thế nào để trở thành “chuyên gia” networking?
Nhiều người lầm tưởng rằng, chỉ những người khéo ăn khéo nói mới là “chuyên gia” về kỹ năng networking. Song như đã đề cập, đây thực chất là tập hợp và ứng dụng của nhiều kỹ năng về giao tiếp (văn bản, lời nói, ngôn ngữ cơ thể) cùng với kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm cá nhân. Bạn hoàn toàn có thể trở thành một chuyên gia về networking nếu tích cực học hỏi và rèn luyện kỹ năng này.
Nguyên tắc 4C giúp networking hiệu quả
Làm cách nào mà người khác có thể kết nối xã hội hiệu quả đến vậy? Dưới đây là nguyên tắc 4C - công thức mà nhiều người đã áp dụng và thành công trong việc rèn luyện kỹ năng networking nói chung, ứng dụng nhiều môi trường giao tiếp.

Uy tín (Credibility)
Bạn cần phải trở thành một người có uy tín, đáng tin trong bất kỳ cuộc kết nối nào. Bởi chữ “tín” chính là nền tảng cho các hợp tác dài lâu và bền vững. Bên cạnh đó, bạn cũng cần chắc chắn mình tham gia vào những mạng lưới kết nối an toàn với các thành viên đáng tin cậy. Uy tín của bạn có thể được thể hiện qua bằng cấp chuyên môn, công việc, vị trí làm việc, thành quả mà bạn đạt được, thông tin cá nhân và tổ chức rõ ràng.
Năng lực cạnh tranh (Competence)
Năng lực cạnh tranh của cá nhân bao gồm các yếu tố về kỹ năng làm việc và kiến thức để bạn tự tin giao tiếp, kết nối và thể hiện thế mạnh của mình. Từ năng lực cạnh tranh nổi bật đó, bạn sẽ nhận được các cơ hội tương ứng, phù hợp nhất. Cơ hội sẽ không đến với những người mà nhà tuyển dụng không biết rõ liệu bạn có thể đáp ứng được cơ bản công việc hay không. Đối với doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh chính là năng lực có thể đáp ứng yêu cầu chất lượng và số lượng sản phẩm - dịch vụ, thường được thể hiện trong hồ sơ năng lực của tổ chức mà bạn mang đến giới thiệu khi networking.
Giao tiếp rõ ràng, hiệu quả (Clarity)
Kỹ năng giao tiếp mạch lạc, rõ ràng rất quan trọng để bạn giới thiệu về bản thân và doanh nghiệp. Các buổi networking thường rất đông người tham dự, hầu hết họ sẽ cố gắng làm quen nhiều người nhất có thể để thu thập thông tin liên lạc, không có nhiều thời gian nán lại “tán gẫu” với bạn. Thông tin rõ ràng và thông điệp thẳng thắn, trực diện vấn đề sẽ giúp bạn ghi điểm, gây ấn tượng để giữ kết nối với người khác. Bạn có thể chuẩn bị sẵn một kịch bản giao tiếp với các tình huống cụ thể để ứng dụng trong buổi networking.
Kết nối (Connectivity)
Khả năng kết nối đề cập cả về chất lượng và số lượng mạng lưới các mối quan hệ bạn tạo dựng được. Bạn cần chắc chắn về mục tiêu của việc networking, tránh việc sa đà kết nối với những đối tượng không mang lại hiệu quả hay lợi ích nào có lợi cho hai bên. Ngoài ra, một mối quan hệ phát triển từ networking tốt còn có khả năng kết nối thêm cho bạn các mối quan hệ mới từ mạng lưới của họ. Điều này liên quan mật thiết đến cách bạn gìn giữ và chăm sóc mạng lưới kết nối xã hội của bạn.
Vượt qua rào cản “sợ networking”
Nhiều quan niệm sai lầm về kỹ năng networking khiến hoạt động này trở thành rào cản với nhiều người. Chúng ta đều biết rằng networking là kỹ năng quan trọng, chìa khóa giúp phát triển các mối quan hệ và sự nghiệp. Nhưng dường như networking vẫn là một hoạt động “khó khăn” với rất nhiều người. Một số người cho rằng networking là hoạt động bề nổi, vụ lợi và thường tạo ra các mối quan hệ không sâu sắc. Một số khác có thể nghĩ rằng đây chỉ là hoạt động dành cho người hướng ngoại. Theo bài viết từ các chuyên gia Đại học Harvard, ác cảm networking có thể được khắc phục nhờ vào một số chiến lược sau:
Tập trung vào việc học hỏi
Theo các chuyên gia, mỗi người sẽ có một tư duy tập trung chủ yếu, phổ biến nhất là 02 nhóm: “phát triển” hoặc “đề phòng”. Những người thuộc nhóm nghĩ về việc thăng tiến, phát triển bản thân sẽ rất hào hứng tham gia và kết nối ở các buổi networking; số còn lại thì cảm giác bản thân bị ép buộc phải tham gia vì công việc - nhóm này thường sẽ không đạt được hiệu quả và tiếp tục nản chí.
Để thay đổi, bạn chỉ cần chuyển tư duy của mình sang hướng muốn phát triển bản thân và thẳng tiến để giải tỏa tâm lý. Hãy tự nhủ với bản thân rằng “Cứ thử đi, biết đâu sẽ học được điều gì đó hoặc có thêm bạn mới” thay vì suy nghĩ “Mình phải diễn, giả vờ yêu thích nó!”. Nếu là một người ghét đám đông, hướng nội, việc thay đổi tư duy này khá khó, nhưng bạn cần rèn luyện nó và bạn sẽ thấy hiệu quả của việc networking chất lượng.
Xác định mục tiêu chung
Bước tiếp theo giúp việc networking trở nên “dễ thở” hơn là bạn cần xác định mục tiêu chung của hai bên. Bạn hãy nghĩ xem kiến thức, sở thích và mục tiêu kết nối của bạn phù hợp như thế nào đối với người mà bạn sắp kết nối và ngược lại. Điều đó giúp bạn tạo dựng các mối quan hệ thật sự có ý nghĩa cho cả đôi bên. Chẳng hạn, bạn đang làm việc cho một công ty nội thất và cần đến hội thảo về ngành xây dựng để tìm kiếm đối tác. Bạn cần biết sản phẩm - dịch vụ công ty của bạn có thể đáp ứng như thế nào và bạn cần tìm đối tác cũng đang có nhu cầu tìm đơn vị thi công nội thất. Hãy thử nghiên cứu tâm lý đối tác để có thể thiết lập nội dung giao tiếp phù hợp, tăng cơ hội hợp tác thành công.
Nghĩ về những gì có thể cho đi
Các chuyên gia nhận thấy rằng, những nhà lãnh đạo cấp cao thường thoải mái kết nối với người khác hơn và nhận lại những mối quan hệ chất lượng cùng sự kính trọng. Bởi khi đã ở trên đỉnh của vinh quang, họ nghĩ nhiều hơn đến việc cho đi kiến thức, kinh nghiệm hơn là việc tạo dựng mối quan hệ cho lợi ích cụ thể. Nhiều nhà sáng tạo nội dung cũng đã thành công nhờ cách này: cho đi những thông tin giá trị và nhận lại lợi ích một cách không mong đợi từ sự ủng hộ của người xem. Bạn cũng có thể ứng dụng tư duy này để đạt được hiệu quả trong networking. Theo tâm lý học, nhu cầu được có giá trị và thể hiện bản thân là nhu cầu tiềm ẩn ở bất cứ ai. Thay vì cố nghĩ đến mục tiêu doanh số hay cơ hội việc làm, hãy thử chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm hoặc đơn giản và chân thành trao đổi về những khó khăn và xin lời khuyên và lắng nghe người khác chia sẻ.
Tìm mục đích hướng tới tổ chức chung
Một yếu tố khác ảnh hưởng đến các rào cản sợ networking chính là mục đích của mối quan hệ. Nếu mối quan hệ trở nên cá nhân hóa, chúng sẽ kém hấp dẫn hơn khi được hướng đến cộng đồng hoặc tổ chức rộng lớn. Thay vì suy nghĩ “hãy giữ liên lạc và giúp đỡ sự nghiệp của tôi”, bạn có thể đề nghị “bạn có lời khuyên nào để tôi giúp đỡ khách hàng của mình không?”. Bất cứ mục đích nào cũng sẽ trở nên giá trị hơn khi giúp đỡ được nhiều người hơn. Và người khác sẽ không quan tâm đến việc cá nhân của bạn bằng việc của cộng đồng mà họ đang hướng tới.
5 mẹo online networking hiệu quả
Online networking là hoạt động phụ thuộc vào mạng xã hội và các cộng đồng online. Do đó, chúng sẽ có nhiều khác biệt trong quá trình truyền thông online. Năm mẹo sau đây có thể là tham khảo hữu ích cho bạn để thực hiện networking trên nền tảng online một cách hiệu quả.

Luôn cập nhật thông tin và hoạt động trang cá nhân
Trang cá nhân trên mạng xã hội là yếu tố quan trọng quyết định khả năng kết nối cộng đồng của bạn. Thông qua thông tin trên trang cá nhân, người khác có thể dễ dàng nhận biết về thương hiệu cá nhân của bạn như những điều bạn quan tâm, sở thích, công việc, lĩnh vực chuyên môn…từ đó tạo cơ sở cho họ quyết định kết nối với bạn để cùng chia sẻ, học hỏi hoặc xây dựng mối quan hệ. Vì vậy, hãy luôn giữ cho trang cá nhân của bạn đầy đủ thông tin cơ bản như hình ảnh cá nhân rõ ràng, công việc/lĩnh vực chuyên môn, sở thích, nơi làm việc, thể hiện các khả năng - mối quan tâm của bạn thông qua các trạng thái hoặc bài đăng hàng ngày. Bạn cũng cần tìm hiểu và tham gia nhiều nền tảng khác nhau nơi mà bạn có thể gặp gỡ những người bạn muốn kết nối để gia tăng khả năng tiếp cận chính xác. Ngoài ra, nếu bạn làm việc trong một số lĩnh vực đặc thù như sáng tạo nội dung, nhiếp ảnh, làm video…hãy cân nhắc lập một trang web cá nhân hoặc tạo profile cá nhân trên các nền tảng chuyên nghiệp nhu Behance…để người khác có thể xem các sản phẩm của bạn với trải nghiệm tốt nhất.
Tham gia networking tại các sự kiện ảo
Kể từ đại dịch Covid-19, người dùng mạng đã rất quen thuộc với việc tham gia các sự kiện ảo (virtual event). Sự kiện ảo có thể thu hút số lượng người tham gia “khủng” lên đến vài ngàn người mà không cần phải tốn kém nhiều chi phí, công sức; giúp kết nối mọi người ở bất kỳ châu lục nào. Vì vậy, tham gia các sự kiện ảo cũng là một cách giúp bạn tăng khả năng networking tốt. Đó có thể là sự kiện gặp gỡ chuyên gia chia sẻ về kiến thức chuyên môn, tuyển dụng, giao lưu cộng đồng…Để tham gia networking tại các sự kiện online hiệu quả, bạn có thể cân nhắc một số điểm sau:
- Chọn những đơn vị tổ chức có uy tín
- Mở rộng tham gia sự kiện của nhiều lĩnh vực liên quan đến lĩnh vực mà bạn đang quan tâm hoặc muốn học hỏi
- Luôn tham dự đúng giờ và tham gia tương tác, đặt câu hỏi
- Chủ động tương tác với bình luận của những người cùng tham dự và kết bạn với họ
- Xem và theo dõi trang cá nhân của các diễn giả/ khách mời
- Viết bài chia sẻ cảm nghĩ sau sự kiện trên trang cá nhân
Tham gia tương tác trong cộng đồng
Thật đáng tiếc nếu bạn luôn có mặt trong các hội nhóm nhưng chưa từng mạnh dạn tương tác trực tiếp. Tương tác là điều mà tất cả nhà sáng lập mạng xã hội ao ước. Bằng cách tương tác, các cộng đồng online đã trở thành một xã hội thu nhỏ thực sự, kết nối con người dù cách xa ngàn dặm, tạo ra và cung cấp nhiều giá trị hơn cho người dùng. Việc để lại các tương tác như bình luận, thảo luận trong các cộng đồng là cách đơn giản và nhanh chóng nhất để bắt đầu thực hành networking online. Ngoài ra, bạn cũng có thể bắt đầu tương tác với mọi người trên các bài đăng công khai, nội dung đang là xu hướng. Lưu ý, khi thực hiện online networking, bạn hãy cố gắng mở rộng vòng kết nối cả với những người có mối liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp giúp bạn có thể kết nối với người khác.
Tập trung chia sẻ giá trị thật
Nội dung có giá trị luôn được khuyến khích sáng tạo để giúp các mạng xã hội phát triển. Khi bạn tập trung trao đi thông tin có giá trị, chắc chắn sẽ là cách an toàn và lành mạnh giúp bạn thể hiện bản thân - tiếp cận với những người có quan tâm lĩnh vực. Nội dung giá trị không chỉ là các bài đăng mà còn là cách bạn tương tác với người khác trên mạng xã hội. Điều này cũng góp phần thể hiện thêm cá tính, sự văn minh và thái độ của bạn với vấn đề hoặc người đang trao đổi. Bạn có thể bắt đầu bằng các bài đăng chia sẻ về công việc hiện tại, các mẹo hay trong công việc hoặc những điều mới mẻ bạn học được mỗi ngày…miễn là nội dung này có giá trị thông tin. Các công cụ chỉnh sửa ảnh, video sẽ là trợ lực cho bạn để phát triển các nội dung giá trị, thu hút nhiều người xem và tương tác. Đây cũng là cách chủ động và tự nhiên nhất để tiếp cận những người có cùng sở thích và mối quan với bạn, tiền đề phát triển mạng lưới mối quan hệ xã hội.
Chăm sóc mối quan hệ online
Chăm sóc các mối quan hệ là một phần không thể thiếu để có tiến trình networking hiệu quả. Bởi bản chất cuối cùng của việc networking chính là sở hữu những mối quan hệ chất lượng, cùng phát triển và tạo ra giá trị. Với online networking, bạn có thể giữ mối quan hệ bằng cách thường xuyên giữ tương tác vào các hoạt động của bạn bè, hoặc thăm hỏi, chúc mừng các dịp lễ, Tết, sinh nhật hoặc sau những sự kiện đặc biệt trong cuộc sống của họ như: kết hôn, lên chức, nhận công việc mới, bắt đầu khởi nghiệp….
Kỹ năng networking không đơn thuần là một kỹ năng phục vụ công việc. Đây còn là kỹ năng xã hội giúp bạn phát triển bản thân và mạng lưới các mối quan hệ chất lượng. Bên cạnh kỹ năng giao tiếp hiệu quả, networking đòi hỏi bạn phải rèn luyện vận dụng ngôn từ, hành vi cử chỉ phù hợp; mở rộng kiến thức, kèm theo là trải nghiệm xã hội để có thể làm tốt. Bạn cũng có thể tìm hiểu thêm về tâm lý học, ngôn ngữ cơ thể và các xu hướng tính cách để nhận diện và thực hiện networking hiệu quả hơn khi gặp gỡ những người mới.