Khái niệm “sống hạnh phúc” đã ngày càng phổ biến trên mạng xã hội. Từ sau đại dịch Covid-19, cộng đồng quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tinh thần để hoàn thiện cuộc sống, quay trở về những giá trị tinh thần khi các giá trị vật chất chỉ còn là nhu cầu cơ bản. Tìm kiếm từ khóa “sống hạnh phúc” trên Google bạn sẽ nhận được khoảng hơn 84 triệu kết quả(*), điều đó phần nào thể hiện mức độ quan tâm và phổ biến của chủ đề này. Vậy sống hạnh phúc là gì và liệu bạn có cần thiết lập một cuộc sống hạnh phúc?
Sống hạnh phúc là gì?
Thuật ngữ này phụ thuộc rất nhiều vào trải nghiệm và thế giới quan của mỗi người. Có người cho rằng, hạnh phúc chỉ cần đủ cơm no áo ấm. Một số người khác lại mong muốn sở hữu địa vị và tài sản lớn. Trong khi một nhóm khác lại chỉ mơ ước có cuộc sống nhẹ nhàng giản dị và bình yên. Tuy nhiên, chủ đề này thuộc về phạm trù cảm xúc tinh thần nên để tìm ra khái niệm chung nhất thì phải xét đến chuẩn mực tâm lý học.
Hạnh phúc theo định nghĩa tâm lý học
“Hạnh phúc” thực tế là một thuật ngữ thuộc về lĩnh vực tâm lý học. Theo đó, hạnh phúc là một phức hợp cảm giác tâm lý thỏa mãn, vui sướng, hài lòng và đầy đủ một cách tích cực trong thời điểm hiện tại hoặc cách cảm nhận chung về cuộc sống.
Các nhà tâm lý và xã hội học thường gọi tên trạng thái này là “hạnh phúc chủ quan” (subjective well-being). Hai yếu tố chính cấu thành nên cảm giác hạnh phúc bao gồm:
- Sự cân bằng cảm xúc: người hạnh phúc thường có trạng thái cảm xúc không quá vui hay quá buồn mà cân bằng và nhẹ nhàng, thiên hướng tích cực hơn là tiêu cực.
- Sự hài lòng với cuộc sống và bản thân: điều này liên quan đến mức độ thỏa mãn của bản thân đối với những sự vật, sự việc xung quanh.
Các dạng của hạnh phúc
Với nền tảng là sự cân bằng cảm xúc và sự hài lòng, hạnh phúc được nhà triết học Hy Lạp cổ đại Aristotle chia thành hai dạng phổ biến:
- Hedonia: tức là hạnh phúc đến từ niềm vui mà khi thực hiện những điều tốt đẹp tích cực mang lại như chăm sóc bản thân, hoàn thành các mục tiêu, cảm giác được hưởng thụ về vật chất, cảm giác được yêu thương…
- Eudaimonia: là hạnh phúc được hun đúc từ những việc làm ý nghĩa liên quan đến đức hạnh. Eudaimonia bao gồm cảm giác bạn cảm thấy bản thân có giá trị và mục đích sống tốt đẹp, hướng tới cộng đồng. Vì vậy nó cũng liên quan đến những hoạt động thể hiện trách nhiệm, những sự đầu tư dài hạn, lý tưởng sống bền vững và quan tâm tới những người xung quanh hơn là tập trung những mục tiêu ngắn và lợi ích cá nhân.
Nói cách khác, Hedonia liên quan nhiều đến những điều mang đến niềm vui còn Eudaimonia là mang đến ý nghĩa. Một việc có thể khiến bạn có cả hai dạng hạnh phúc này hoặc là chỉ một trong hai. Nghiên cứu cho thấy, những người đã trải nghiệm Eudaimonia thường sẽ có cả Hedonia nhưng ngược lại thì không thường xuyên. Chẳng hạn như việc xem hài kịch, mang đến niềm vui, sự thư giãn thoải mái nhưng không đồng thời mang đến cảm giác có giá trị và ý nghĩa sâu sắc.
Một cách hiểu khác: cảm giác hạnh phúc có thể đến từ 02 con đường: hạnh phúc dựa vào những điều vật chất thỏa mãn từ bên ngoài (tương tự Hedonia) và hạnh phúc tự thân hướng tới những giá trị cao đẹp (tương tự Eudaimonia). Mỗi người sẽ có một trải nghiệm hạnh phúc rất khác nhau, việc này có thể mang đến hạnh phúc cho bạn nhưng chưa chắc sẽ mang đến cảm giác tương tự với người khác. Nhưng những người mong cầu hạnh phúc đều có trong mình khao khát được sống một cách tích cực và có cuộc sống tốt đẹp hơn.
![hình 1.png](https://admin.blog.hiwatermelon.com/uploads/hinh_1_dc6c545384.png)
Vai trò của việc thiết lập cuộc sống hạnh phúc
Với tất cả những điều tích cực mà trạng thái “hạnh phúc” mang lại, không bất ngờ khi ai cũng mong muốn bản thân được hạnh phúc và có cuộc sống tốt đẹp, vui vẻ. Việc thiết lập một cuộc sống hạnh phúc có thể nhận diện rõ ràng gồm những tác động tích cực lên đời sống như sau:
Có niềm tin và động lực phát triển bản thân
Khi đạt đến trạng thái hạnh phúc và vui vẻ, bạn sẽ có rất nhiều động lực và niềm tin vào chính mình, cảm thấy “hứa hẹn” và đầy nhiệt huyết như động lực kéo bản thân về phía trước. Từ đó, bạn sẽ có nhiều ý tưởng mới mẻ và đột phá hơn giúp phát triển bản thân và cuộc sống.
Giải quyết tốt các mối quan hệ xã hội
Các mối quan hệ xã hội là một trong những yếu tố khiến con người gặp phải nhiều rắc rối và cảm xúc tiêu cực nhất. Khi đạt được trạng thái cân bằng cảm xúc trong cảm giác hạnh phúc, bạn sẽ giữ được tinh thần tích cực và hạn chế tối đa các xung đột với những người xung quanh.
Cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần
Một nghiên cứu cho thấy những người trải qua những cảm xúc tốt có tuổi thọ cao hơn đến 13 năm so với người luôn cảm thấy buồn chán. Cơ thể chỉ cảm nhận được niềm vui hân hoan khi sản xuất được các hoocmon hạnh phúc như endorphin, oxytocin, dopamine…như một liều thuốc bổ cho não bộ. Ngược lại, khi trải qua cảm xúc đau khổ tiêu cực, mức độ cortisol (hoocmon căng thẳng) tăng cao sẽ mang lại nhiều hệ quả sức khỏe như tăng cân, stress, thèm ăn, sản sinh các tế bào xấu ảnh hưởng xấu tới não bộ. Khi đó cơ thể sẽ đi vào trạng thái bảo toàn năng lượng - không hoạt động tốt mà luôn ra tín hiệu uể oải mệt mỏi để cơ thể phải nghỉ ngơi.
Góp phần phát triển xã hội
Nếu mỗi cá nhân đều khỏe mạnh và có sức khỏe tinh thần tốt sẽ tạo nên một cộng đồng hạnh phúc và tích cực. Điều này giúp cộng đồng phát triển nhờ vào việc sở hữu những cá nhân có đủ năng lực, thái độ tốt, luôn có nhiều động lực để tìm kiếm giải pháp phát triển bản thân và đóng góp cho tập thể.
Dấu hiệu cho biết bạn đang không hạnh phúc
Hầu hết chúng ta đều trải qua những cảm xúc cả tiêu cực lẫn tích cực. Việc trở nên hạnh phúc không phải là bác bỏ cảm giác tiêu cực mà chính là cân bằng được hai thái cực cảm xúc này. Cảm thấy không hạnh phúc có thể chỉ là thoáng qua thường ngày. Nhưng nếu cảm giác đó kéo dài nhiều ngày cũng có thể là tín hiệu cho bạn biết cần phải sắp xếp lại cuộc sống để mỗi ngày trôi qua đều ý nghĩa và trọn vẹn. Kiểm tra ngay một số dấu hiệu dưới đây để xem liệu bạn có đang gặp rắc rối với cảm giác không hạnh phúc không nhé:
![hình 2.png](https://admin.blog.hiwatermelon.com/uploads/hinh_2_020531fafc.png)
Cảm thấy bị “burnt out”
Cụm từ burn out đã trở nên rất “hot” trong thời gian qua, mô tả trạng thái cảm thấy kiệt quệ cả thể chất lẫn tinh thần; thường xuyên có cảm giác mệt mỏi rã rời và không thể xử lý công việc mỗi ngày tốt; không có nhiều ý tưởng và động lực để làm việc và phát triển bản thân; cảm giác bị mắc kẹt giữa bộn bề cuộc sống, muốn cô lập bản thân, thất vọng…
Khó khăn khi đặt mục tiêu
Khi bạn cảm thấy nhiều trở ngại khi đặt các mục tiêu dù ngắn hạn hay dài hạn, rất có thể bạn đang không cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống. Ngoài việc không có kỹ năng đặt mục tiêu, biểu hiện này còn liên quan đến cảm giác không tin tưởng bản thân và không hào hứng với tương lai, mất phương hướng, không định vị được giá trị bản thân và ý nghĩa cuộc sống.
Không có sự phát triển
Từ việc bị “burn out” và khó khăn thiết lập mục tiêu, bạn sẽ không nhìn được sự phát triển bản thân qua từng ngày. Điều này càng làm cho bạn lún sâu hơn vào cảm giác chán nản, không cảm nhận được hạnh phúc.
Không hài lòng với các mối quan hệ xung quanh
Sự mất cân bằng cảm xúc khi không ở trạng thái hạnh phúc là nguyên căn dẫn đến xung đột các mối quan hệ xã hội. Nếu bạn luôn cảm thấy những người khác khiến bạn cảm thấy khó chịu, không ai làm vừa ý bạn, rất có thể bạn cần thiết lập lại một cuộc sống hạnh phúc đủ đầy hơn.
Làm sao để sống một cách hạnh phúc hơn?
Có thể nói, chúng ta dành phần lớn cuộc đời cố gắng để đạt trạng thái hạnh phúc. Hạnh phúc được xem là đích đến của rất nhiều người, phụ thuộc vào định nghĩa trạng thái hạnh phúc của người đó. Tuy nhiên, con đường đến hạnh phúc sẽ gặp không ít trở ngại khiến bạn hoài nghi về chính mình và con đường đã chọn lựa. Nhận biết các rào cản này sẽ giúp bạn có thể tìm được giải pháp phù hợp cho bản thân để đạt được hạnh phúc thực sự theo mong muốn của mình.
Rào cản nội tâm
Với sự tác động của mạng xã hội, bạn sẽ dễ dàng nảy sinh việc so sánh bản thân với người khác. Từ đó gây “nhiễu” kỳ vọng và quên mất chính mình. Rào cản này khiến bạn xuất hiện những cuộc đối thoại nội tâm như: “liệu tôi có xứng đáng được hạnh phúc?” “có phải tôi phải cần rất nhiều tiền mới hạnh phúc?”, “ước gì mình có những gì cô ấy/anh ấy có, mình sẽ hạnh phúc…” và sẽ loay hoay trên con đường tìm kiếm hạnh phúc dựa trên chuẩn mực của người khác; coi bản thân thấp giá trị hơn và từ bỏ cơ hội được hạnh phúc thực sự.
Rào cản vật chất
Vật chất hay nói cách cụ thể là những công cụ giúp con người có thể đáp ứng điều kiện sống cơ bản như tiền bạc, thực phẩm, quần áo, nhà cửa…Nhiều người đang ở trong tình cảnh khó khăn về tài chính thường cảm thấy rằng bản thân chưa thể nghĩ đến hạnh phúc khi vẫn chật vật lao động lo từng bữa cơm mỗi ngày. Hay vì vật chất, nhiều người bỏ qua những cảm giác dễ chịu để đưa bản thân vào những hoàn cảnh áp lực cao, với mong muốn rằng giàu có sẽ hạnh phúc hơn.
Rào cản mối quan hệ xã hội
Mối quan hệ ở đây không chỉ là cộng đồng xung quanh như bạn bè, đồng nghiệp mà còn là chính gia đình của bạn. Điểm mạnh của loại rào cản này chính là sợi dây tình thân và kết nối giữa cá nhân và xã hội. Lo sợ phải sống cô đơn một mình, hay không được yêu thương, bạn cố gắng làm hài lòng người khác mà bỏ qua hạnh phúc của chính mình, luôn thấy trống rỗng và không có niềm vui trọn vẹn.
Giải pháp thiết lập một cuộc sống hạnh phúc
Hiểu về các yếu tố cấu thành hạnh phúc cũng như những rào cản, bạn có thể bắt đầu lên kế hoạch để thiết lập một cuộc sống hạnh phúc, giống như một “sự nghiệp” riêng của bản thân - trở thành một người hạnh phúc thực sự. Bạn có thể bắt đầu tìm hiểu một vài giải pháp dưới đây để có sự đầu tư đúng đắn cho con đường này.
Xây dựng hệ giá trị sống riêng
Nguyên nhân dẫn đến việc bạn so sánh bản thân với người khác một phần đến từ việc bạn chưa xác định được hệ giá trị cốt lõi riêng cho bản thân. Giá trị sống là những điều bạn cảm thấy có ý nghĩa, quan trọng trong đời và ảnh hưởng lên tất cả hành động và quyết định của bạn. Hạnh phúc cũng là một trong 12 giá trị sống được UNESCO liệt kê. Ngoài ra còn có một số giá trị phổ biến khác: tự do, đoàn kết, trách nhiệm, trung thực, khoan dung, hợp tác, tôn trọng, hòa bình…Khi xác định được những giá trị sống bạn muốn theo đuổi, bạn sẽ có những giới hạn riêng để bảo vệ bản thân tránh bị ảnh hưởng tiêu cực từ môi trường bên ngoài và những điều không phù hợp giá trị sống.
Động lực kéo - đẩy
Để thực hiện một việc cụ thể nào đó, yếu tố tiên quyết là bạn phải có cho mình một động lực. Động lực đẩy được hiểu là động lực từ bên trong bản thân, cảm giác tự thân khơi gợi niềm hào hứng và khao khát đạt được mục tiêu đã đặt ra. Động lực kéo là những động lực từ bên ngoài giúp bạn tiến về phía trước. Động lực kéo thường là những công cụ cả hữu hình và vô hình như: giáo dục - tri thức; sự động viên từ người khác; phần thưởng…Chẳng hạn như động lực đẩy của bạn là mơ ước trở thành một doanh nhân thì động lực kéo sẽ là việc học tập, có một công việc phù hợp định hướng, sự hướng dẫn và mức lương tốt giúp bạn tiếp thêm sức mạnh đi đến mục tiêu.
Chủ nghĩa khắc kỷ
Chủ nghĩa khắc kỷ (stoicism) là một trường phái triết học được khai sinh ở Athens khoảng thế kỷ thứ 3 trước công nguyên. Chủ nghĩa này cho rằng, để sống hạnh phúc chúng ta cần phải thấu hiểu và hòa hợp với bản chất của con người và thế giới. Đặc biệt là chỉ tập trung vào những điều bản thân có thể làm, bỏ qua những định kiến và kỳ vọng vào điều mà người khác làm và lên kế hoạch cùng làm những việc ta có thể kiểm soát một phần (có sự tham gia của người khác). Triết lý của khắc kỷ chính là đừng cố kiểm soát những gì xảy đến với bạn mà chỉ cần kiểm soát phản ứng của bản thân.
Kỹ năng sắp xếp cuộc sống
Thiếu kỹ năng sắp xếp cuộc sống cũng là yếu tố khiến bạn cảm thấy bị áp lực và không tận hưởng được hạnh phúc mỗi ngày. Bạn cần cân đối giữa những việc làm thường nhật phục vụ sinh hoạt và công việc để kiếm tiền, chăm sóc bản thân và chuẩn bị cho những mục tiêu dài hạn. Rất nhiều mục tiêu bạn cần đạt được và nếu có kỹ năng sắp xếp thì cuộc sống của bạn sẽ trở nên hiệu năng hơn. Bạn có thể tham khảo ma trận quản lý thời gian Eisenhower để sắp xếp công việc mỗi ngày hợp lý trong 24 giờ. Áp dụng chiến lược của Eisenhower thực ra rất đơn giản. Ma trận này chỉ ra phương pháp giúp bạn phân loại công việc cần làm trong ngày và mức độ ưu tiên dành cho nó bao gồm các nhóm:
- Khẩn cấp và quan trọng (nhiệm vụ cần phải làm ngay lập tức).
- Quan trọng nhưng không phải khẩn cấp (nhiệm vụ được lên kế hoạch để làm sau).
- Khẩn cấp nhưng không quan trọng (nhiệm vụ nên bàn giao cho người khác).
- Không khẩn cấp cũng không quan trọng (nhiệm vụ phải được loại bỏ).
Thiền định
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, luyện tập thiền định giúp giảm nhịp tim, ổn định huyết áp, giảm hoocmon cortisol gây căng thẳng, cân bằng tâm lý. Bên cạnh đó, thiền định còn là phương pháp giúp giảm các nguy cơ mắc đột quỵ khi kết hợp cùng bộ môn yoga. Khi cả thể chất và tinh thần được phục hồi, bạn sẽ có nhiều động lực và cảm hứng để thiết lập một cuộc sống hạnh phúc.
Tìm đến Life Coaching
Bạn có thể tìm kiếm rất nhiều cách để sống hạnh phúc thông qua Google hay nhiều cuốn sách nổi tiếng với đa dạng phương pháp. Việc áp dụng các phương pháp phổ biến có thể không phải phù hợp với tất cả mọi người. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ thời gian để nghiên cứu và áp dụng thử, thay đổi đến khi tìm ra phương pháp hiệu quả. Khi đó, bạn có thể cân nhắc tìm đến những chuyên gia cố vấn cuộc sống (Life Coaching) để đồng hành giúp bạn tìm được phương pháp hợp lý nhất với mong muốn và lối sống của bạn. Bạn có thể tham khảo khóa học Joyful Life Coaching từ Watermelon với những nội dung được thiết kế đặc biệt. Không chỉ giúp bạn tìm kiếm chính bản thân, các mentor sẽ đồng hành cùng bạn định hướng lại con đường tìm kiếm hạnh phúc toàn diện thông qua những phương pháp và kỹ năng cụ thể, thực tế như: cách xây dựng hệ giá trị sống; giải quyết các mối quan hệ xã hội; chiến lược đầu tư vào bản thân và những điều mang lại lợi ích cho việc trở nên hạnh phúc hơn.
Thiết lập được một cuộc sống hạnh phúc không chỉ giúp bạn phát triển bản thân và sự nghiệp mà còn là một hành động có trách nhiệm với xã hội, cộng đồng. Quá trình kiến tạo cuộc sống trong mơ cần có nhiều thời gian và sự nỗ lực, kiên trì, đầu tư phát triển bản thân mà qua đó, chính bạn phải chủ động học hỏi và tìm kiếm giải pháp.
- (số liệu ghi nhận tính đến thời điểm biên tập bài viết)