Trong một lần xem Soul - bộ phim đoạt giải Oscar cho Phim Hoạt hình xuất sắc nhất 2021 (được công chiếu vào năm 2020), tôi rất ấn tượng với một phân đoạn, đó là khi Joe hoàn thành đêm diễn nhạc jazz trong mơ của mình và hỏi Dorothea Williams: “What's next?” (Rồi tiếp theo sẽ là gì?)
Bà trả lời bằng cách kể một câu chuyện, rằng: Có một con cá bơi tới chỗ một con cá già và nói: “Tôi cố gắng tìm một nơi mà người ta gọi là đại dương”.
“Đại dương hả?” - con cá già nói. “Cậu đang ở đó rồi chứ đâu”.
“Đây sao?” - con cá trẻ bèn nói.
“Đây là nước mà. Điều tôi muốn là đại dương kìa”.
Tôi thấy mình trong nhân vật Joe. Sau buổi lễ tốt nghiệp Đại học long trọng với tấm bằng danh giá và những bó hoa, món quà, những lời chúc tốt đẹp từ người thân, bạn bè… “Tiếp theo sẽ là gì?” chính xác là câu hỏi đã xuất hiện trong đầu tôi. Cảm giác tận hưởng “quả ngọt” sau 4 năm miệt mài trên giảng đường nhanh chóng nhường chỗ cho những mông lung, vô định và sợ hãi với hành trình mới mẻ phía trước. Hơn 3 tháng từ hôm ấy, tôi trượt dài với những ngày lướt điện thoại trong vô thức, lười vận động và ngại giao tiếp. Khoảnh khắc ấy giúp tôi nhận ra mình cần đối mặt và vượt qua “khoảng lặng sau vinh quang”.
Vì sao sau thành công ta lại dễ cảm thấy trống rỗng?
Oscar Wilde - nhà thơ và nhà soạn kịch người Ireland đã từng nói rằng: “Trên đời này chỉ có hai bi kịch, một là không đạt được những gì mình muốn, hai là đạt được chúng”. Sức hút của thành công là vô cùng mãnh liệt, vì thế chúng ta đôi khi bị cuốn vào nó và trống rỗng chính là một dạng bi kịch của thành công.
Sau nhiều ngày “nằm bất động” với đống việc cần phải hoàn thành trong đầu, tôi nhận ra “trống rỗng” là một cảm giác về sự cô độc bên trong (inner desolation), một sự vắng bóng hoàn toàn của niềm vui và hy vọng. Sau khi đã dốc sức để hoàn thành một mục tiêu nào đó và nhận được kết quả như mong đợi, tôi bị rơi vào vực thẳm bên trong của chính mình - thứ thường dẫn đến hành vi nghiện ngập (mạng xã hội, thức khuya…) và chạy trốn (lười giao tiếp, nằm im trong phòng cả ngày…).
Có thể bạn cũng từng trải qua một trong số những trạng thái mà tôi vừa kể, những cảm xúc lân cận với sự trống rỗng thường là tuyệt vọng, trầm cảm và cô đơn. Các nhà tâm lý học còn gọi đó là “post-achievement blues” – cảm giác chán nản, mất động lực sau khi đạt được một thành tựu quan trọng.
Sau khoảng thời gian khá dài “ngụp lặn” với khối cảm xúc hỗn loạn, tôi quyết định ngồi lại tự đặt câu hỏi cho chính mình để tìm ra lý do cho chúng. Phải chăng tôi đang thiếu mục tiêu và kế hoạch tiếp theo? Tôi có đang kỳ vọng quá cao nhưng hiện thực lại không như mong đợi? Hay những điều ấy xảy đến là do cảm giác đơn độc khi đạt đến đỉnh cao, căng thẳng và kiệt sức sau một chặng đường dài…
Hiện tượng tâm lý này có đáng lo ngại?
Nhận biết, đối mặt và vượt qua những trạng thái tâm lý bất ổn luôn là điều cần thiết để nuôi dưỡng một tinh thần khỏe mạnh. Cảm giác trống rỗng sau thành công có thể chỉ là một hiệu ứng tâm lý nhất thời và nhanh chóng biến mất, song cũng có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng.
Trượt dài trong trạng thái trống rỗng có thể dẫn đến các hiện tượng như: tê liệt cảm xúc (emotional numbness), luôn sợ hãi bị bỏ lại một mình, hình thành một hố sâu trống rỗng bên trong (hollow inner). Nghiêm trọng hơn, các hội chứng này dẫn đến nghiện ngập hành vi (nghiện một thứ hoặc nhiều thứ) nhằm thoát khỏi sự trống trỗng, thiếu hụt ý nghĩa và mục đích sống. Thậm chí trong những hoàn cảnh cực đoan (extreme circumstances) còn dẫn đến những hành vi bạo lực và tệ nhất là tự tử do trầm cảm.
Không có khả năng sống chậm hoặc trở thành một người nghiện công việc (như một hình thức chạy trốn). Quay trở lại bộ phim Soul đã nhắc ở đầu bài viết, nhân vật Joe - một người mải miết chạy theo ước mơ được chơi nhạc jazz trên các sân khấu lớn, bị cuốn vào đam mê đến nỗi quên mất bản thân và những người yêu thương mình và đổ vỡ trong các mối quan hệ tình cảm. Sau chuyến phiêu lưu ở Cõi sau (After life) và may mắn được quay trở lại cuộc sống, Joe đã nhận ra rằng hạnh phúc không phải là được đứng trên sân khấu với sự cổ vũ nồng nhiệt của khán giả mà là việc tận hưởng từng khoảnh khắc của cuộc sống khi chúng ta vẫn còn (được) sống.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng viết trong Muốn an được an rằng: "Hạnh phúc hay không là tùy thuộc vào ý thức của chúng ta. Khi bị đau răng, ta nghĩ không đau răng là hạnh phúc, nhưng khi không đau răng, ta vẫn không hạnh phúc".
4 cách để vượt qua giai đoạn trống rỗng sau thành công?
1. Biết ơn và tận hưởng những thành tựu nhỏ trong quá trình chinh phục thành công lớn
Trước khi xuất bản sách, tôi nghĩ rằng chỉ khi có được một “kiệt tác để đời” mới có thể gọi là thành công, khi ấy tôi mới cảm thấy hạnh phúc. Sau khi xuất bản, tất nhiên sách không thể trở thành tác phẩm bán chạy hay tôi trở nên nổi tiếng ngay lập tức, vì vậy tôi đã từng cảm thấy hụt hẫng và trống rỗng. Nhưng sau tất cả, tôi học được cách trân trọng từng khoảnh khắc nhỏ trên hành trình: từng email phản hồi tích cực từ độc giả, từng buổi gặp gỡ đầy cảm hứng với những người có chung đam mê. Những thành tựu nhỏ ấy, khi được ghi nhận và tận hưởng, đã trở thành động lực giúp tôi duy trì niềm vui và không còn cảm thấy chông chênh.
Hãy học cách biết ơn và trân quý cả những thử thách mà bạn đã cố gắng vượt qua, vì chắc rằng sẽ luôn có bài học dành cho bạn. Bằng cách nào đó, hãy tự thưởng cho chính mình sau khi đạt được những thành quả nho nhỏ. Chính bạn nên là người yêu thương, khen ngợi và công nhận bản thân trước tiên thay vì trông chờ vào một ai đó khác.
2. Tìm lại giá trị cốt lõi của bản thân
Trạng thái không hài lòng, cảm thấy trống rỗng sau thành công cũng có thể đến vì mục tiêu vừa đạt được không phải là mong muốn thực sự của bạn. Vậy nên, tìm ra giá trị cốt lõi của bản thân là vô cùng cần thiết.
Hãy lắng nghe và thấu hiểu bản thân nhiều hơn. Bạn có thể tự phân tâm chính mình, quan sát và trò chuyện với bản ngã để tìm ra giá trị sống đích thực mà bạn theo đuổi. Vạch ra một ý niệm nhất định trong quá trình phát triển bản thân giống như việc thiết lập một chiếc la bàn hiệu quả, giúp bạn dù đi bất cứ đâu cũng không bao giờ lạc lối. Bạn cũng có thể:
- Viết xuống những giá trị quan trọng nhất với bản thân và so sánh với những gì mình đang làm.
- Nhìn lại những khoảnh khắc từng khiến mình cảm thấy trọn vẹn nhất, từ đó xác định điều gì thực sự mang lại ý nghĩa.
- Nếu cảm thấy xa rời giá trị cốt lõi, hãy tìm cách điều chỉnh lại hướng đi, dù là thay đổi nhỏ nhất trong thói quen hàng ngày.
3. Đặt và trả lời những câu hỏi cho chính mình
Mỗi khi trải qua cảm giác trống rỗng và không biết làm gì tiếp theo, tôi thường ngồi xuống, trong một không gian yên tĩnh, với giấy bút. Tôi dùng cách tương tự như vẽ sơ đồ tư duy (mindmap) để viết ra những câu hỏi và vẽ nhánh ra các câu trả lời:
- Mục tiêu của tôi trong hành trình này là gì?
- Tiếng nói từ sâu bên trong tâm trí của tôi đang thôi thúc điều gì?
- Đâu là đích đến mà tôi mong muốn?;...
Việc đặt và trả lời những câu hỏi (hoàn toàn thành thật) giúp tôi hiểu chính mình, xem xét mức độ hài lòng với những thành quả, biết ơn những gì đã đạt được và định hình lại mục đích sống của bản thân. Sau nhiều lần thực hành, tôi nhận ra rằng càng đặt ra và trả lời nhiều câu hỏi, ta sẽ tiến gần hơn đến trạng thái chữa lành cho tâm hồn.
4. Lên kế hoạch và bước chậm lại trên hành trình chinh phục những mục tiêu mới
Không ít lần tôi rơi vào trạng thái "nghiện thành công" – khi một mục tiêu đạt được, tôi lập tức lao vào mục tiêu tiếp theo mà không kịp nghỉ ngơi. Nhưng "Làm không nghỉ chính là làm không nghĩ" (Huỳnh Vĩnh Sơn, 90-20-30). Sau mỗi giai đoạn miệt mài để hoàn thành một mục tiêu nào đó trong đời, chúng ta cần những khoảng lặng để nghỉ ngơi, nạp lại năng lượng và đánh giá, rút kinh nghiệm với những gì đã qua.
Dẫu biết rằng rất khó để thực hiện 100% dự định mà ta vạch ra, nhất là sau những bài học mà đại dịch Covid-19 mang lại. Tuy nhiên, một bản kế hoạch chỉn chu luôn là điều cần thiết. Nó không chỉ giúp chúng ta hình dung rõ những gì bản thân mong muốn và những gì cần phải làm. Việc hoàn thành "những gạch đầu dòng" trong bảng mục tiêu ấy cũng sẽ khiến bạn cảm thấy hưng phấn hơn để tiếp tục hành trình.
Vậy nên bạn có thể:
- Lập kế hoạch theo từng giai đoạn, đảm bảo có thời gian nghỉ ngơi giữa các chặng đường.
- Tạo ra những khoảng lặng trong lịch trình: Có thể là một kỳ nghỉ ngắn, một buổi dạo bộ không có các thiết bị công nghệ, hay một ngày dành riêng cho sở thích cá nhân.
- Khi đặt mục tiêu mới, hãy đảm bảo rằng nó không chỉ dựa trên sự kỳ vọng bên ngoài mà còn phản ánh mong muốn thực sự của bản thân.
Kết
Cảm giác trống rỗng sau thành công là điều hoàn toàn tự nhiên, và nó không phải là dấu chấm hết. Thay vào đó, hãy coi đây là một giai đoạn chuyển tiếp để phát triển bản thân toàn diện hơn. Thành công thực sự không chỉ là đạt được mục tiêu, mà còn là khả năng tìm thấy ý nghĩa và niềm vui trong chính hành trình của mình.
“Rất nhiều người trong chúng ta lớn lên được dạy rằng phải tìm cách để trở nên có giá trị”, đạo diễn Pete Docter chia sẻ. “Đó là lý do đôi lúc, một vài ước mơ trở thành đường cùng đối với nhiều người. Một trong những thông điệp chính mà Soul muốn nhắn nhủ chính là: chỉ cần bạn sống, bạn đã có giá trị. Tất cả chúng ta đều xứng đáng tận hưởng những điều cuộc sống này mang lại”.