Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên nhiều nỗi lo âu và hoảng sợ hơn bao giờ hết với sự bùng nổ của học máy, trí tuệ nhân tạo và những cơn sóng khủng hoảng dồn dập. Nền kinh tế nhiều biến động đòi hỏi người làm kinh doanh phải liên tục đổi mới và thích nghi với những thách thức, cơ hội mới. Bạn có bao giờ thử tưởng tượng sẽ ra sao nếu chúng ta được lãnh đạo bởi những chú Robot?
Có một điều chắc chắn là không có gì chắc chắn cả. Nhưng nếu “cơn đại hồng thủy” của kỷ nguyên công nghệ có tràn vào lãnh địa của các nhà lãnh đạo thì tôi cho rằng, trí tuệ cảm xúc (EQ) chính là tấm vé giúp họ bước lên “con thuyền Noah” để vững bước và thành công.
Trí tuệ cảm xúc là gì?
Trí tuệ cảm xúc (Emotional Intelligence - EQ) là khả năng nhận biết, thấu hiểu và quản lý cảm xúc của bản thân cũng như của người khác. Một nhà lãnh đạo có EQ cao sẽ dễ dàng thích nghi với môi trường làm việc, kiểm soát căng thẳng và xây dựng các mối quan hệ bền vững trong tổ chức.
Ngày nay, lãnh đạo không chỉ là việc ra quyết định chiến lược hay quản lý hiệu suất, mà còn là nghệ thuật thấu hiểu và kết nối con người. Các nghiên cứu từ Harvard Business Review chỉ ra rằng trí tuệ cảm xúc (Emotional Intelligence – EQ) đóng vai trò quyết định đến 90% sự khác biệt giữa những nhà lãnh đạo xuất sắc và trung bình. Không đơn thuần là một kỹ năng mềm, EQ ảnh hưởng trực tiếp đến sự gắn kết đội ngũ, hiệu suất làm việc và khả năng thích nghi của doanh nghiệp trước những biến động thị trường.
Năm thành phần của trí tuệ cảm xúc
Trong nghiên cứu về Thuyết đa trí tuệ (Multiple Intelligences), nhà tâm lý học Howard Gardner cho rằng các bài kiểm tra IQ chỉ đánh giá khả năng tư duy ngôn ngữ và năng lực lập luận trong toán học chứ chưa đánh giá tổng quát năng lực trí tuệ của con người.
Theo người Do Thái - dân tộc thông minh nhất thế giới, có 3 chỉ số thông minh quan trọng, mà IQ chỉ là một phần trong đó. Đối với họ, khung đánh giá năng lực con người qua công thức thành công như sau: 20% IQ + 80% (AQ+EQ) = 100% (AQ là viết tắt của Adversity Quotient - Chỉ số vượt khó).

Daniel Goleman1 trong Emotional Intelligence: Why It Can Matter More Than IQ đã phân tích năm thành phần chính của trí tuệ cảm xúc gồm:
- Khả năng tự nhận thức: Hiểu rõ cảm xúc của bản thân, nhận biết tác động của chúng đến suy nghĩ và hành vi, đồng thời nhận thức được điểm mạnh và điểm yếu của chính mình. Một nhà lãnh đạo có khả năng tự nhận thức cao sẽ kiểm soát tốt phản ứng của mình trong những tình huống căng thẳng và đưa ra quyết định sáng suốt hơn. Người tự nhận thức tốt cảm xúc thường có khả năng tự trào, vì vậy họ sẽ vừa khiêm tốn vừa hài hước.
- Khả năng tự quản lý: Tự điều chỉnh cảm xúc liên quan đến việc kiểm soát những cảm xúc tiêu cực, duy trì sự điềm tĩnh và linh hoạt trong mọi tình huống. Một nhà lãnh đạo có khả năng tự điều chỉnh cảm xúc tốt sẽ không bị chi phối bởi sự nóng giận hoặc lo lắng, từ đó duy trì thái độ chuyên nghiệp và hiệu quả làm việc và định hướng mục tiêu tốt hơn.
- Khả năng tạo động lực: Những nhà lãnh đạo có trí tuệ cảm xúc cao thường có động lực nội tại mạnh mẽ, không chỉ để đạt được mục tiêu cá nhân mà còn truyền cảm hứng cho đội ngũ. Họ kiên trì trước khó khăn, luôn giữ vững tinh thần tích cực và không ngừng học hỏi để phát triển. Bên cạnh đó, họ còn có khả năng khai vấn và cố vấn, giúp nhân viên định hướng công việc và phát triển năng lực bản thân.
- Khả năng thấu cảm: Thấu cảm là khả năng đặt mình vào vị trí của người khác để hiểu được suy nghĩ, cảm xúc và nhu cầu của họ. Một nhà lãnh đạo thấu cảm sẽ dễ dàng kết nối với nhân viên, tạo ra sự tin tưởng và tăng cường sự gắn kết trong tổ chức. Họ cũng biết cách lắng nghe ngôn ngữ cơ thể và giữ bình tĩnh trong các tình huống nhạy cảm để xử lý vấn đề một cách khéo léo.
- Các kỹ năng xã hội: Bao gồm các kỹ năng làm việc nhóm, xử lý mâu thuẫn, giao tiếp và đàm phán để duy trì môi trường làm việc tích cực.
Bài học về trí tuệ cảm xúc trong quản trị nhân sự từ lãnh đạo cũ của tôi
Có cơ hội làm việc tại một công ty tư vấn và đào tạo doanh nghiệp với đội ngũ nhân sự trẻ trung và những người lãnh đạo tuyệt vời, tôi đã học được rất nhiều về chuyên môn và kỹ năng làm việc. Tôi nhận thức được sâu sắc vai trò của trí tuệ cảm xúc trong quản trị nhân sự từ một cuộc họp đầu tháng, người chủ trì cuộc họp là anh giám đốc (cũng là người sáng lập công ty). Trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động, các doanh nghiệp tối ưu mọi chi phí, các dịch vụ của công ty chúng tôi đối mặt với rất nhiều bài toán phải giải nhằm gia tăng doanh số hay đúng hơn là duy trì sự “sống còn” của doanh nghiệp.
Căng thẳng là vậy, cuộc họp vẫn diễn ra với không khí cởi mở, giữa buổi, anh giám đốc đã nhờ một vài nhân sự thử thực hiện động tác sau đây: Tay trái vẽ hình tròn, tay phải vẽ hình vuông. Đương nhiên là không ai làm được, kể cả anh ấy. Bởi vì bộ não của chúng ta không được tổ chức có thể làm cùng lúc hai việc hoàn toàn khác nhau. Anh ấy cũng giải thích thêm, từ xưa đến nay thì có vài “dị nhân” trên thế giới làm được: Một là Hoàng đế Pháp Napoléon Bonaparte, ông có thể nghe một thư ký báo cáo và đồng thời giao việc cho một thư ký khác cùng lúc. Người thứ hai là “độc nhãn tướng quân” Mikhail Kutuzov - người đánh bại Napoleon tại trận Waterloo với khả năng nghe và tổng hợp thông tin khi mười mấy người đến báo cáo cùng lúc.

Anh lại nói thêm, họ là những dị nhân hoặc vĩ nhân, nên có những tài năng khác biệt như vậy. Nhưng những nhân viên văn phòng, làm những việc cần sự tập trung cao độ như sáng tạo nội dung, thiết kế, làm chiến lược, kế hoạch… thì không thể làm hai hay nhiều việc cùng lúc, ví như vừa làm việc vừa xem hài, gameshow… mà cho kết quả tốt được.
Sau những trận cười rôm rả vì ai cũng thử làm theo thao tác “tay trái vẽ hình tròn, tay phải vẽ hình vuông” mà không được, sau những ánh mắt sáng lên khi được nghe thêm các câu chuyện mới lạ là giây phút tự suy ngẫm bản thân vì sự xao nhãng trong công việc. Anh giám đốc đã không chỉ đích danh, cũng không quát tháo, nói lời tổn thương bất cứ ai, nhưng cách diễn giải, dẫn dắt của anh ấy đã khiến chúng tôi tự nhìn nhận và đánh giá lại bản thân.
Nếu là một người có trách nhiệm trong công việc, bạn cũng sẽ đồng cảm với người làm lãnh đạo trong bối cảnh kinh tế ảm đạm, nhân sự lại không tập trung và năng suất làm việc không hiệu quả. Đồng thời, tôi cũng học được cách nhắc nhở nhân sự một cách khéo léo, pha chút hài hước vui vẻ và cách đặt mình vào vị trí của người khác từ người lãnh đạo của tôi. Sau cuộc họp ấy, chúng tôi đã nỗ lực hơn rất nhiều, không khí làm việc vẫn vui vẻ, không ai cảm thấy xấu hổ vì bị khiển trách, kết quả công việc vì thế cũng có nhiều thay đổi tích cực. Từ những trải nghiệm cá nhân, tôi cho rằng một người lãnh đạo có trí tuệ cảm xúc cao có thể giúp doanh nghiệp và đội ngũ nhân sự của họ dễ dàng gắn kết, tăng sự thấu cảm và phát triển bền vững.
Ba bước nâng cao trí tuệ cảm xúc cho lãnh đạo
- Rèn luyện khả năng tự nhận thức và quản lý cảm xúc là bước đầu tiên để phát triển trí tuệ cảm xúc. Một cách hiệu quả để làm điều này là viết nhật ký cảm xúc hàng ngày, ghi lại và phân tích phản ứng của bản thân trong các tình huống khác nhau để hiểu rõ hơn về cảm xúc của mình. Bên cạnh đó, áp dụng các kỹ thuật thư giãn như thiền định, hít thở sâu cũng giúp kiểm soát cảm xúc và duy trì sự bình tĩnh khi gặp áp lực. Ngoài ra, việc học hỏi từ sách hay các khóa học về quản lý cảm xúc cũng sẽ cung cấp những công cụ hữu ích để nâng cao nhận thức về chính mình và kiểm soát cảm xúc tốt hơn trong công việc.
- Rèn luyện khả năng thấu cảm: Một trong những phương pháp hiệu quả là thực hành lắng nghe tích cực, chú ý đến cả ngôn ngữ cơ thể và cảm xúc ẩn sau lời nói của người khác. Đồng thời, đặt mình vào vị trí của người khác, suy nghĩ từ góc độ của họ để hiểu rõ nhu cầu và cảm xúc của họ, tham gia các hoạt động tình nguyện, xã hội, tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh khác nhau cũng là một cách tuyệt vời để mở rộng góc nhìn và nuôi dưỡng lòng thấu cảm.

- Cải thiện kỹ năng giao tiếp và truyền cảm hứng: Một trong những cách để làm điều này là học cách kể chuyện hiệu quả, sử dụng câu chuyện để truyền đạt thông điệp và tạo sự kết nối với đội ngũ. Ngoài ra, xây dựng văn hóa phản hồi tích cực, khuyến khích trao đổi ý kiến một cách chân thành và mang tính xây dựng cũng giúp môi trường làm việc trở nên cởi mở hơn. Việc sử dụng ngôn ngữ cơ thể và giọng điệu phù hợp để đảm bảo thông điệp truyền đạt rõ ràng, thu hút và thuyết phục cũng rất quan trọng. Đồng thời, học hỏi từ các nhà lãnh đạo truyền cảm hứng và áp dụng (có chọn lọc) những chiến lược hiệu quả của họ vào thực tiễn quản lý sẽ giúp nâng cao năng lực lãnh đạo.
Kết
Jocko Willink đã viết trong Extreme Ownership: How U.S. Navy SEALs Lead and Win rằng: “No bad team, only bad leader”, tạm dịch “Không có đội nhóm tệ, chỉ có lãnh đạo tồi”. Điều này có nghĩa là thành công hay thất bại của một tổ chức phần lớn phụ thuộc vào khả năng lãnh đạo. Những nhà lãnh đạo có EQ cao không chỉ biết cách kiểm soát cảm xúc của bản thân mà còn có khả năng thấu hiểu, truyền cảm hứng và tạo động lực cho đội ngũ. Họ biết cách duy trì động lực cho nhân viên, giải quyết xung đột một cách hiệu quả và xây dựng văn hóa làm việc tích cực.

Việc rèn luyện trí tuệ cảm xúc không phải là một quá trình diễn ra trong ngày một ngày hai, mà đòi hỏi sự kiên trì, thực hành liên tục và ý thức phát triển bản thân của người lãnh đạo. Nhưng chắc rằng, quả ngọt của hành trình nhọc nhằn này sẽ vô cùng xứng đáng!
- số liệu ghi nhận tính đến thời điểm biên tập bài viết
- Trong quyển sách Emotional Intelligence: Why It Can Matter More Than IQ (1995), xuất bản bởi Bantam Books tại New York.↩︎