Home

Blog

Giải mã những hiểu lầm phổ biến về Advertising, Marketing và PR

Giải mã những hiểu lầm phổ biến về Advertising, Marketing và PR

  • Business Universe
  • July 21, 2023
  • 24 min read
Giải mã những hiểu lầm phổ biến về Advertising, Marketing và PR

Marketing, Advertising (Quảng cáo) và Public Relations (Quan hệ Công chúng) là những lĩnh vực phổ biến và có nhiều hoạt động sôi động trong nền kinh tế thị trường. Chúng có nhiều điểm tương đồng và đem lại giá trị cộng hưởng về mặt tiếp thị - quảng bá thương hiệu nên thường bị nhầm lẫn khái niệm với nhau. Nếu bạn cũng đang tìm hiểu lĩnh vực truyền thông - marketing, hãy cùng “bóc tách” giải mã một số hiểu lầm phổ biến của 03 lĩnh vực này qua bài viết sau đây!

“Giao điểm” giữa Ads, Marketing và PR (Public Relations)

Như đã đề cập, Marketing, Advertising (Ads) và Public Relations (PR) có nhiều giao điểm mà ở đó, chúng có thể dễ dàng phối hợp với nhau tạo ra một chiến dịch tiếp thị hiệu quả.

Thuộc lĩnh vực Truyền thông nói chung

Một điểm chung lớn nhất của 03 lĩnh vực này là cùng thuộc ngành “Truyền thông” nói chung. Truyền thông tức là truyền tải thông tin. Thông qua từng đặc thù riêng và thế mạnh của từng lĩnh vực mà doanh nghiệp có thể lựa chọn để đạt được mục tiêu truyền thông mong muốn. Ví dụ như: sản xuất TVC giới thiệu sản phẩm mới (Advertising), tạo chương trình khuyến mãi để thu hút kích cầu (Marketing); tổ chức hoạt động xã hội để tạo danh tiếng doanh nghiệp (Public Relations).

Mỗi khía cạnh này sẽ có phương thức và cách triển khai nội dung tiếp cận khách hàng riêng và thậm chí có thể khác nhau ở đối tượng. Nhưng nhìn chung đều là hoạt động truyền tải thông tin từ thương hiệu đến khách hàng.

Cần phải nghiên cứu đối tượng mục tiêu

Như đã đề cập, mỗi nhóm ngành này lại có một hoặc nhiều nhóm đối tượng mục tiêu riêng, thậm chí có thể khác nhau qua từng giai đoạn. Chẳng hạn PR có thể có đối tượng là các nhà đầu tư, nhà báo, tổ chức phi lợi nhuận…ở thời điểm này nhưng có thể là PR nhắm tới khách hàng mục tiêu ở thời điểm khác. Còn đối với Quảng cáo có thể dành cho toàn thể đại chúng như các chiến dịch giới thiệu sản phẩm mới, quảng bá và tăng nhận diện rộng rãi nhiều tệp khách hàng.

Đối với Marketing, khách hàng có thể là hai nhóm lớn: khách hàng doanh nghiệp (B2B) và khách hàng cá nhân (B2C) hoặc thậm chí là mục tiêu nhắm tới khách hàng doanh nghiệp nhưng lại tạo ra chiến dịch, nội dung hướng tới khách hàng cá nhân (B2B2C). Ở đây có thể hình dung giống như Grabfood, dù quảng bá nhiều khuyến mại dành cho khách hàng lẻ nhưng lại thu lợi nhuận chính từ các doanh nghiệp, hàng quán. Bên cạnh đó, mỗi ngành hàng lại có những tệp khách hàng riêng lẻ, có cá tính và hành vi khách hàng khác nhau mà tùy vào mục đích, định hướng doanh nghiệp cần phải nghiên cứu chi tiết để tiến hành truyền thông hiệu quả.

Tạo dựng hình ảnh thương hiệu

Marketing, Ads hay PR đều là “hình ảnh đại diện” và là “người phát ngôn” của thương hiệu qua đó truyền tải thông tin đến khách hàng. Vì đây là những hoạt động chính để tiếp cận khách hàng. Do đó, các hoạt động này phải mang màu sắc và cá tính thương hiệu. Bất cứ hoạt động từ 03 lĩnh vực này đều gợi nhắc người dùng nhớ về thương hiệu từ màu sắc, văn phong, nhịp điệu câu chữ hay cách làm video, chọn gương mặt KOL/Influencers…

Có tính rõ ràng, nhất quán

Tính rõ ràng, nhất quán là tiêu chí bắt buộc để định hình giá trị và hình ảnh thương hiệu và giảm tối thiểu khủng hoảng truyền thông.

Tính rõ ràng mạch lạc được thể hiện ở cách sử dụng ngôn ngữ, nội dung, hình ảnh. Các yếu tố nội dung này phải đảm bảo không được dễ gây hiểu nhầm, tranh cãi hay có ngôn từ khiêu khích, tiêu cực. Đặc biệt là ở các chương trình khuyến mãi: nội dung chương trình bắt buộc phải ghi rõ ràng, chi tiết tránh việc khách hàng hiểu nhầm hay gây chú ý không đúng sự thật. Hay như các bài viết thông cáo báo chí cũng cần được thể hiện thông điệp và nội dung rõ ràng để việc truyền thông cho bên thứ ba (báo đài, cơ quan truyền thông đại chúng..) được diễn đạt thuận lợi và chính xác tới công chúng.

Với tính nhất quán, không chỉ thể hiện ở việc nhất quán với hình ảnh thương hiệu đã đặt ra ban đầu mà còn phải nhất quán lẫn nhau. Chẳng hạn một chiến dịch ra mắt sản phẩm mới thì cả phần ưu đãi của Marketing, TVC và các bài viết trên báo chí đều phải tương đồng về thông điệp, hình ảnh quảng bá.

Nền tảng là việc sáng tạo nội dung

Có thể thấy rõ nền tảng của cả Marketing, Ads và PR chính là sáng tạo nội dung. Thông qua nội dung hình ảnh, chữ viết và video, nhãn hàng có thể tiếp cận khách hàng và truyền tải những thông tin giá trị, kích thích việc mua hàng hoặc quảng bá thương hiệu.

Hình 1.png
Một số dạng thức content marketing

Tuy nhiên, mỗi lĩnh vực lại có những cách làm nội dung và các loại nội dung khác nhau và mang tính định hướng. Đối với marketing, đó là những mẫu content như content sale, branding, nuôi dưỡng tệp khách hàng tiềm năng, tương tác hay nội dung trên các POSM (bảng hiệu, tờ rơi, brochure, biển quảng cáo, standee…). Đối với quảng cáo là nội dung yêu cầu tính sáng tạo và độc nhất; tạo sự chú ý và thường sử dụng nhiều thủ thuật về câu chữ, hình ảnh đặc biệt, cần có đội ngũ chuyên nghiệp thực hiện. Nội dung PR phổ biến có thể kể đến là các thông cáo báo chí, bài phát biểu, thư ngỏ…Ngôn từ sử dụng cho từng loại nội dung của các lĩnh vực này lại có nhiều khác biệt, để đạt được mục đích riêng của chiến dịch.

Sử dụng cùng các kênh phân phối

Tuy có nhiều dạng thức content khác nhau nhưng hầu hết các sản phẩm của Marketing, Quảng cáo và PR đều được phân phối trên các kênh truyền thông số như: mạng xã hội (Facebook, Tiktok, Instagram, Twitter, Youtube), quảng cáo Google, Website, Email, Zalo OA…Bởi đây là những nơi có tệp người dùng lớn, dễ dàng tiếp cận rộng rãi hơn các phương thức offline.

Riêng đối với các nội dung PR có thể tiếp cận thông qua phương tiện truyền thống như báo giấy, radio, truyền hình. Song thực tế, chúng đều được số hóa để có thể đáp ứng nhu cầu được thông tin nhanh và thời sự.

Hình 2.png
Công cụ truyền thông kĩ thuật số (Digital Marketing)

Những hiểu lầm về Ads, Marketing và Public Relations

Với những điểm chung kể trên, 03 lĩnh vực này rất thường bị nhầm lẫn khái niệm với nhau hoặc với mỗi lĩnh vực riêng lẻ. Dưới đây là một số hiểu lầm phổ biến và những lý giải dễ hiểu nhất cho bạn tham khảo.

Làm Marketing là chạy quảng cáo trên các nền tảng

Khi truyền thông số lên ngôi giữa thời đại 5.0, khó có thể xem nhẹ tầm quan trọng và hoạt động sôi nổi của Digital Marketing. Do đó, mỗi khi nghe đến công việc Marketing nhiều người nghĩ ngay đến việc chạy quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo Facebook, Google…

Trên thực tế Marketing là một ngành khá rộng mở, thực hiện rất nhiều hạng mục công việc để đạt được doanh số cuối cùng. Và chạy quảng cáo hay Digital Marketing chỉ là một phần của công việc này. Một chiến dịch tiếp thị hiệu quả có thể bao gồm cả Quảng cáo và PR, hay còn gọi sự phối hợp này là Integrated Marketing Communication.

PR hoàn toàn là truyền thông trả phí (paid-media)

Các Marketing Communications Executive chắc hẳn không còn xa lạ với các khái niệm: paid media (truyền thông trả phí), owned media (truyền thông trên các kênh sở hữu) hay earned media (truyền thông từ sự lan truyền). Đối với Marketing hay Quảng cáo, đa phần đều thuộc vào paid-media, tức là cần phải trả phí để tiếp cận khách hàng.

Riêng với PR, nhiều người cho rằng hầu hết các doanh nghiệp đều tự bỏ chi phí ra để được đăng bài trên các phương tiện truyền thông thứ ba đánh bóng tên tuổi. Cụm từ Quan hệ Công chúng (Public Relations) cũng phần nào nói lên mục tiêu của PR chính là tìm kiếm earned media - tạo hiệu ứng lan truyền tự nhiên từ công chúng hoặc các đơn vị truyền thông có thẩm quyền, uy tín.

Earned media bao gồm việc sản phẩm hoặc dịch vụ của thương hiệu được đưa tin hoặc quảng cáo trên báo chí, được nhắc đến trong một bài báo, các chương trình truyền hình hoặc nhận được đánh giá sản phẩm tích cực từ khách hàng hoặc một số phương tiện truyền thông phổ biến khác. Và thông thường, earned media là cách “Marketing 0 đồng” cực kỳ hiệu quả mà paid media và owned media phải mất khá nhiều chi phí và công sức để đạt được. Vì vậy, earned media đòi hỏi một sản phẩm/dịch vụ thực sự giá trị và sự phối hợp của nhiều yếu tố mà trong đó hoạt động PR cần phải đáp ứng.

Hình 3.png
Ví dụ về Owned - Paid - Earned Media trong Marketing. Ảnh: Tribe Digital

Quảng cáo cần sáng tạo còn Marketing và PR thì không

Bạn có từng bị ấn tượng mạnh bởi các TVC quảng cáo của Thái Lan hay một mẩu print art của thương hiệu nổi tiếng nào đó? Đó chính là sức mạnh của sự sáng tạo trong quảng cáo: tạo sự liên tưởng thú vị giữa sản phẩm và các ý tưởng trong đời sống.

Nhiều người cho rằng, Marketing và PR thì thường có cách làm nội dung khá “rập khuôn” và thiếu đi tính sáng tạo. Nhưng trên thực tế, nội dung thực hiện trong Marketing và PR cũng là những sản phẩm của sáng tạo - tạo ra những nội dung mới trong khuôn khổ yêu cầu của kênh truyền thông. Điểm khác biệt của chúng là mỗi loại hình nội dung có cách thể hiện khác nhau. Bạn không thể dùng những từ ngữ ẩn dụ, so sánh, các biện pháp nhân hóa…cho các bài phát biểu hay thông cáo báo chí của PR. Một tờ rơi của Marketing cũng rất cần được sáng tạo hình ảnh và nội dung phù hợp để truyền tải thông điệp đến khách hàng trực quan và sinh động nhất nhưng vẫn phải đảm bảo các đặc điểm của một tờ rơi.

Ads, PR không thể đo lường kết quả cụ thể

Đây là một hiểu lầm khá phổ biến về các lĩnh vực Quảng cáo, PR. Để có thể đo lường hiệu quả một chiến dịch quảng cáo Marketing Online thì rất dễ dàng thông qua Google Analytics, Facebook Ads, các chỉ số tương tác từ Meta Business Suite…Tuy nhiên với các TVC Quảng cáo hoặc các tin bài PR, làm sao để đo lường kết quả cụ thể?

Như đã đề cập ở phần một - các điểm chung của ba lĩnh vực, thì Quảng cáo, PR và Marketing cũng thường được phân phối đồng bộ trên các kênh truyền thông số. Do đó bạn hoàn toàn có thể đo lường hiệu quả dựa theo các thông số từ công cụ Digital Marketing.

Ads, PR và Marketing là một

Nhầm lẫn này thường bắt nguồn từ các mẩu tin tuyển dụng khi đặt chức danh chung “Marketing Executive” hay “Chuyên viên Truyền thông”, “Mar-com Executive” nhưng nội dung công việc bao hàm cả hoạt động Quảng cáo, PR, Marketing.

Một điều chắc chắn rằng ba hoạt động này đều có khái niệm, phạm vi hoạt động và tính chất công việc khác nhau. Vậy cụ thể, Marketing, Quảng cáo và Quan hệ Công chúng là làm công việc gì? Hãy cùng tìm hiểu tổng quan từng lĩnh vực này nhé!

Marketing là gì?

Hiệp hội Tiếp thị Hoa Kỳ (The American Association of Marketing) định nghĩa Marketing (Tiếp thị) là hoạt động, tập hợp các tổ chức và quy trình để tạo, giao tiếp, phân phối và trao đổi các dịch vụ có giá trị cho khách hàng, đối tác và cộng đồng nói chung.

Đa phần mọi người thường không biết chính xác Marketing là gì và khi được hỏi, họ sẽ định nghĩa chung là bán hàng hoặc quảng cáo. Mặc dù những câu trả lời này không hoàn toàn sai, nhưng chúng chỉ là một phần của tiếp thị. Nhưng hoạt động của Marketing rất đa dạng và cần phải có sự kết hợp của nhiều bộ phận, bao hàm cả hoạt động Quảng cáo và PR.

Marketing đóng vai trò rất quan trọng trong vòng tròn hành vi mua hàng. Trong các giai đoạn của hành vi mua hàng, Marketing hầu hết sẽ tham gia tiếp cận ở giai đoạn mà khách hàng tìm kiếm thông tin và đánh giá về sản phẩm/dịch vụ.

Hình 3 (2).png

Các hoạt động chủ yếu của Marketing

Nhìn tổng quan, mục đích của hoạt động Tiếp thị chính là tạo ra doanh số bán hàng. Để đạt được mục tiêu này, Marketing cần phải phối hợp nhiều hoạt động như:

  • Nghiên cứu thị trường
  • Sáng tạo nội dung các kênh, nội dung bán hàng, quảng cáo, thông tin sản phẩm, kích thích nhu cầu
  • Tạo chương trình Khuyến mãi/khuyến mại (Online và Offline)
  • Thực hiện chiến dịch chạy quảng cáo các nền tảng, Email Marketing
  • Quản trị các kênh mạng xã hội
  • Xây dựng và quản trị cộng đồng tệp khách hàng tiềm năng
  • Tối ưu hóa từ khóa tìm kiếm trên Google (SEO)
  • Phối hợp với các đối tác có cùng tệp khách hàng để tăng độ nhận diện, tạo ra các chương trình ưu đãi hấp dẫn cộng thêm cho khách hàng, kích cầu tăng doanh số
  • Chiến dịch marketing thông qua KOL/Influencers

Những vị trí công việc phổ biến thuộc Marketing

Từ những hoạt động sôi nổi và đa dạng đó, Marketing sở hữu rất nhiều nhánh công việc tạo ra một thị trường sôi động cho Marketers lựa chọn:

  • Content Marketing
  • Digital Marketing
  • Brand Marketing
  • Social Media Management
  • Community Management (quản trị cộng đồng)
  • Data Analyst
  • Partnership
  • Influencer Marketing

Trên thực tế thị trường lao động thì thường một marketer có thể đa nhiệm từ 1-2 hạng mục công việc liên quan. Chẳng hạn như một content marketer có thể kiêm nhiệm việc quản trị các kênh social media và quản trị cộng đồng hoặc một digital marketer có thể phụ trách cả Data Analyst .

Các chỉ số đo lường hiệu quả Marketing

Marketing đóng vai trò quan trọng trong việc giúp nhãn hàng tiếp cận trực tiếp đến khách hàng tiếp cận, tăng cảm xúc và trải nghiệm của họ khi tìm hiểu về sản phẩm/dịch vụ. Do đó, những chỉ số đo lường hiệu quả của Marketing sẽ liên quan đến các hoạt động tương tác với nội dung của khách hàng với nội dung tiếp thị. Có thể kể đến một số KPI chung mà hầu hết các Marketers đều phải nắm vững trong kế hoạch quảng cáo của mình:

  • Các chỉ số tương tác trên kênh Social Media: lượt tiếp cận bài viết (Reach), lượt tương tác trên bài viết (engagement/reaction/click), tỉ lệ chuyển đổi người dùng tương tác thành khách hàng tiềm năng ( hay còn gọi là MQL - marketing qualified leads)...
  • Lưu lượng truy cập vào website tự nhiên (User): lượng truy cập liên kết về website của bạn thông qua tìm kiếm trên Google, điều này có liên quan đến chiến lược SEO.
  • Tỉ lệ chuyển đổi khách hàng tiềm năng thành khách hàng (Leads to Customer Ratio): tỉ lệ để xác định hiệu quả các chiến dịch tiếp thị của bạn có tiếp cận đúng đối tượng khách hàng hay không
  • Tỉ lệ chuyển đổi khách hàng từ Landing Page: dùng để đo lường mức độ hiệu quả của các landing page cung cấp thông tin sản phẩm tạo ra lời mời gọi hành động mua hàng (CTA - Call to action)
  • Tỉ lệ lợi tức đầu tư tiếp thị kĩ thuật số (Digital Marketing ROI - Digital Makerting Return on investment) nói chung: đo lường và đánh giá chi phí dành cho Digital Marketing như Facebook Ads, Google Ads, Email, Landing Page, Website, SEO… để chuyển đổi khách hàng. Công thức tính tham khảo bên dưới.
Hình 4.png
  • Chi phí để có khách hàng mới thông qua Marketing (Cost per MQL hoặc customer acquisition cost): chỉ số này có thể tính bằng công thức bên dưới.
Hình 5.png

Tùy thuộc vào dạng nội dung và mục tiêu chiến dịch mà Marketers sẽ cần phải xem, phân tích và báo cáo chỉ số phù hợp để đánh giá hiệu quả hoặc rút kinh nghiệm cho chiến dịch tiếp theo.

Quảng cáo là gì?

Theo Oxford, Quảng cáo được định nghĩa là nội dung thuộc paid media (truyền thông trả phí) từ sử dụng phương tiện truyền thông đại chúng để thuyết phục khách hàng mục tiêu về sản phẩm/dịch vụ.

Quảng cáo được đề cập tới trong bài viết này là sản phẩm của sáng tạo nội dung kết hợp hình ảnh, chữ viết và đôi khi là cả âm thanh để liên kết tên hoặc hình ảnh sản phẩm với những tình huống và hình ảnh ấn tượng trong tâm trí người tiêu dùng. Digital marketing cũng là một trong hình thức quảng cáo online hoặc hỗ trợ thúc đẩy tăng nhận diện các sản phẩm quảng cáo dịch vụ của thương hiệu.

Các hình thức quảng cáo phổ biến

  • Quảng cáo Online: quảng cáo trên social media, email marketing, quảng cáo hiển thị (GND, Banner, quảng cáo chen ngang trên video),
  • Quảng cáo trên Báo chí: mẩu tin quảng cáo dịch vụ, bài viết quảng bá thương hiệu
  • Quảng cáo phát trên tivi
  • Quảng cáo in ấn: tờ rơi quảng cáo, catalogue, profile doanh nghiệp
  • Quảng cáo ngoài trời: bảng hiệu, billboard…

Đặc điểm và vai trò của Quảng cáo

Ngành công nghiệp Quảng cáo là một lĩnh vực rất đặc thù và thú vị, có khả năng đem lại giá trị rất lớn về hình ảnh thương hiệu và gián tiếp tạo ra doanh số bán hàng. Khách hàng có thể nhớ đến sản phẩm/dịch vụ của thương hiệu thông qua những nội dung quảng cáo thu hút, đúng trọng tâm và nhu cầu từ đó hình thành hành vi lựa chọn thương hiệu khi cần mua nhóm hàng cụ thể.

Quảng cáo là một hạng mục của Marketing và là một trong bốn hạng mục của công cụ thuyết phục khách hàng. Có thể nói, quảng cáo vừa đóng vai trò cung cấp thông tin sản phẩm cho khách hàng, vừa là công cụ thuyết phục khách hàng lựa chọn sản phẩm. Do đó, bài viết quảng cáo trên báo chí thường không giống với bài viết thuộc lĩnh vực PR.

Công việc của người làm Quảng cáo

Dù có nhiều định nghĩa và khái niệm tương đồng với công việc của Marketing và PR, nhưng công việc của người làm ngành quảng cáo khá đặc thù, yêu cầu cao việc sáng tạo. Thông thường, một nhân sự không thể đảm nhiệm tất cả nhiệm vụ để tạo ra quảng cáo hiệu quả mà cần phải có một đội ngũ. Do đó các doanh nghiệp thường phải trả phí cho các agency chuyên về quảng cáo. Các công việc của người làm quảng cáo gồm:

  1. Tiếp nhận thông tin và yêu cầu của khách hàng: giai đoạn này thường do account executive đảm nhận, làm cầu nối giữa đội sáng tạo nội dung và khách hàng và quản lý dự án
  2. Nghiên cứu và lập brief creative: đây là công việc của các account planner để bắt đầu nghiên cứu thị trường, ra định hướng và đề xuất ý tưởng lớn (big idea) để tiếp tục “mổ xẻ” ở các giai đoạn tiếp theo
  3. Lên kế hoạch cụ thể: sau khi có big idea thì account sẽ tiếp tục lập kế hoạch triển khai chi tiết về: thời gian thực hiện, các hạng mục công việc, ngân sách, kênh phân phối truyền thông…theo yêu cầu để đạt hiệu quả.
  4. Sáng tạo nội dung: sau khi đã có big idea và kế hoạch cụ thể, tiếp theo sẽ là phần việc của các content creator để “nhào nặn” ra các ý tưởng xuất chúng cho quảng cáo, bao gồm cả phần hình, chữ, thông điệp (tagline). Đây là giai đoạn tốn nhiều thời gian và quan trọng nhất của chiến dịch quảng cáo.
  5. Sản xuất (production): ý tưởng sau khi được duyệt sẽ được tiến hành sản xuất (thiết kế/chụp hình ảnh hoặc video)
  6. Phân phối và quảng cáo digital marketing: sản phẩm quảng cáo sau cùng sẽ được phân phối rộng rãi trên các kênh (trả phí) theo kế hoạch và chờ đợi kết quả phản hồi từ khách hàng mục tiêu.

Quan hệ công chúng (Public Relations) là gì?

Quan hệ công chúng thường được định nghĩa là các hoạt động quản lý được thực hiện để tăng cường mối quan hệ giữa một doanh nghiệp và các bên liên quan. Các bên liên quan ở đây có thể là đối tác, các cơ quan ngôn luận - chính trị, các đơn vị quản lý hành chính.

Dù nằm dưới “chiếc ô” lớn là Truyền thông, nhưng PR lại là lĩnh vực cực kỳ đặc thù và hoàn toàn có thể triển khai riêng biệt so với các chiến dịch Marketing hay Ads. Tức là đôi lúc, Marketing tiếp thị sản phẩm, dịch vụ mới có thể không cần đến công việc PR hoặc ngược lại. Điểm thú vị của PR là mặc dù sử dụng các thông điệp, chẳng hạn như thông cáo báo chí gửi cho giới truyền thông, nhưng nó thường không trực tiếp định hướng hay đưa thông điệp thật sự mà doanh nghiệp muốn quảng bá. Mặt khác, vai trò của PR là để thúc đẩy mối quan hệ lành mạnh, xây dựng hình ảnh thương hiệu gần gũi và thân thiện với công chúng (hay khách hàng), gián tiếp thúc đẩy tăng doanh số bán hàng. Như đã đề cập, mục tiêu lớn nhất của PR chính là đạt được earned media - truyền thông truyền miệng, lan tỏa từ cộng đồng.

Các hoạt động chủ yếu của PR

Công việc của một chuyên viên Quan hệ Công chúng khá đặc thù và đa dạng, bao gồm cả việc duy trì mối quan hệ nội bộ doanh nghiệp và bên ngoài.

  • Nghiên cứu các thị trường, dự trù kinh phí các hoạt động liên quan đến truyền thông, quảng cáo hàng tháng/chiến dịch dài hạn
  • Tìm và chăm sóc các mối quan hệ với cơ quan truyền thông - báo chí
  • Thực hiện các bài viết PR trên owned media và thông cáo báo chí
  • Viết hoặc hiệu chỉnh các bài phát biểu, phỏng vấn Ban lãnh đạo, câu chuyện thương hiệu
  • Quản trị khủng hoảng truyền thông
  • Tổ chức sự kiện xã hội/tọa đàm/talkshow nhằm đưa hình ảnh doanh nghiệp gần gũi với cộng đồng
  • Truyền thông nội bộ

Làm sao để đo lường hiệu quả chiến dịch PR?

Với các hạng mục công việc kể trên, dường như một chiến dịch PR khá cảm tính để có thể đo lường hiệu quả. Một nhóm gồm các thành viên Hội đồng Truyền thông của Forbes chia sẻ các số liệu mà họ đánh giá cao nhất khi xác định liệu một chiến dịch PR có hiệu quả hay không?

  1. Ấn tượng của khách hàng về tên thương hiệu

Bạn có thể thử hỏi và thống kê xem mức độ nhận diện thương hiệu bằng cách hỏi khách hàng họ đã được gợi nhớ về thương hiệu thông qua đâu. Đây là cách mà Youtube thường thu thập thông tin để đánh giá hiệu quả quảng cáo trên kênh này.

  1. Mức độ lan truyền

Theo Maya Grossman, Canvas: “Đo lường các chiến dịch PR có thể bằng kết quả đầu ra, chẳng hạn như số lượt xem ước tính, phạm vi tiếp cận đối tượng, số lượng bài báo được xuất bản hoặc số lượt chia sẻ trên mạng xã hội. Đây là những chỉ số hàng đầu; nhưng chúng không đủ để chứng minh tác động của PR đối với doanh nghiệp. Hãy đo lường thêm kết quả (chỉ số trễ), chẳng hạn như tăng lưu lượng truy cập web, liên kết ngược từ các trang web có uy tín…”

  1. Lưu lượng truy cập

Thông thường các bài viết PR trên báo chí sẽ có đề cập tên thương hiệu hoặc cho phép gán liên kết. Đây cũng có thể là một cách để chuyên viên PR đo lường lưu lượng truy cập tương ứng với sự hứng thú của người dùng về nội dung PR.

Khác biệt khi làm truyền thông ở châu Á so với các châu lục khác

Truyền thông nói chung và hoạt động Marketing, Quảng cáo và PR nói riêng thường khác nhau ở mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ bởi sự khác biệt về văn hóa và quan niệm xã hội. Dưới đây là một số khác biệt, hay nói cách khác và đặc điểm ngành truyền thông tại châu Á:

  • Dễ bị nhiễu bởi ảnh hưởng văn hóa truyền miệng: Văn hóa Á Đông thường rất tin vào những quan niệm dân gian từ xa xưa hay tin vào lời truyền miệng. Nếu có xảy ra khủng hoảng truyền thông thì sẽ có xu hướng phát triển rất nhanh chóng vì yếu tố này. Do đó các doanh nghiệp phải cực kỳ cẩn trọng trước bất kỳ thông tin nào đưa ra ngoài.
  • “Nhạy cảm” với các vấn đề tôn giáo: châu Á là một vùng lãnh thổ đa tôn giáo, nói riêng Việt Nam đã có khoảng 15 tôn giáo. Mỗi tôn giáo sẽ mang một quan niệm khác nhau khiến cho việc truyền thông có thể gặp nhiều khó khăn hơn.
  • Rào cản ngôn ngữ địa phương (không có ngôn ngữ phổ biến chung như tiếng Anh): người châu Á thường có nhiều phương ngữ, sử dụng tiếng địa phương và không sử dụng tiếng Anh thuần thục như ngôn ngữ thứ hai. Vì vậy việc truyền thông đôi lúc sẽ không được thông suốt vì đặc điểm này.

Với những đặc điểm riêng của mỗi lĩnh vực và đặc điểm chung của truyền thông tại châu Á, càng thấy rõ sự phối hợp chặt chẽ giữa Marketing, Quảng cáo và PR là điều kiện cần để doanh nghiệp tạo dựng hình ảnh nổi bật giữa thị trường cạnh tranh. Sự đa dạng và phong phú của các sản phẩm/dịch vụ và sự phát triển xã hội và trình độ dân trí cao như hiện nay chính là thách thức rất lớn cho người làm truyền thông.

Vì vậy, các Marketers cần phải có hiểu biết rộng trong ngành, đồng thời chủ động cập nhật thời sự xã hội để triển khai các hoạt động marketing - communications hiệu quả, phù hợp, tránh những rủi ro truyền thông đáng tiếc.

Share via:
Yến Nhi
Yến Nhi

Related posts

Khi văn phòng thành studio TikTok - Xu Hướng Mới Trong Xây Dựng Thương Hiệu Doanh Nghiệp

Khi văn phòng thành studio TikTok - Xu Hướng Mới Trong Xây Dựng Thương Hiệu Doanh Nghiệp

Xuân Diễm

Xuân Diễm

5 days ago

Văn phòng không chỉ là nơi làm việc, mà còn có thể trở thành studio TikTok. Doanh nghiệp đang đua nhau dựng studio tại chỗ, nhân viên từ bàn giấy hóa content creator. Vấn đề không phải là quay hay không, mà là làm sao để biến văn phòng thành studio TikTok, làm thế nào để xây dựng thương hiệu viral, văn hóa doanh nghiệp sáng lên mà KPI vẫn chạy mượt. Bạn đã sẵn sàng chưa?

Thương hiệu cá nhân: “chiếc rìu vàng” của thế hệ First-Self

Thương hiệu cá nhân: “chiếc rìu vàng” của thế hệ First-Self

HT Võ Duyên

HT Võ Duyên

10 days ago

Người ta có thể không dùng mạng xã hội X nhưng chắc chắn sẽ biết tỷ phú Elon Musk. Tương tự, người ta có thể không dùng sản phẩm từ Apple nhưng chắc chắn sẽ biết Tim Cook. Không đơn giản là nổi tiếng, họ biến tên mình thành “mỏ vàng” trên cuộc chiến kinh doanh. Sự thành công này có khiến thương hiệu cá nhân có tiếp tục trở thành xu hướng trong những năm tới?

Vai trò của trí tuệ cảm xúc (EQ) trong quản trị nhân sự

Vai trò của trí tuệ cảm xúc (EQ) trong quản trị nhân sự

Giàu Dương

Giàu Dương

14 days ago

Để các nhà lãnh đạo thành công bước vào kỷ nguyên mới, trí tuệ cảm xúc (EQ) là chìa khóa giúp duy trì động lực, gắn kết đội ngũ và gia tăng hiệu suất công việc.

Tiếng ồn nâu: Xu hướng tương lai của thiết kế văn phòng

Tiếng ồn nâu: Xu hướng tương lai của thiết kế văn phòng

Mai Anh

Mai Anh

19 days ago

Bạn bị xao nhãng bởi tiếng ồn văn phòng? Tiếng ồn nâu – bí quyết âm thanh mới giúp bạn tập trung hơn, giảm căng thẳng và nâng cao hiệu suất làm việc!