Home

Blog

Founder fatigue - Ai lo cho người khởi nghiệp

Founder fatigue - Ai lo cho người khởi nghiệp

  • Business Universe
  • July 21, 2025
  • 10 min read
Founder fatigue - Ai lo cho người khởi nghiệp

Làm founder nghe có vẻ tự do, chủ động và đầy cảm hứng. Nhưng đằng sau những chiếc KPI đẹp đđẽ và những buổi pitching tự tin, rất nhiều người sáng lập đang âm thầm kiệt sức. Không phải vì họ yếu, mà vì họ đã “gồng” quá lâu. Cùng tìm hiểu hiện tượng “Founder fatigue” và giải đáp câu hỏi: ai sẽ lo cho người dẫn đầu?

Khi người dẫn đầu không có chỗ để mệt

Người ta hay vẽ ra hình ảnh founder như “siêu nhân”: dậy sớm, ngủ muộn, làm nhiều, gánh hết, luôn biết đường đi, luôn truyền cảm hứng. Đó là một hình ảnh hào nhoáng, rực sáng giữa những khẩu hiệu như “tự do tài chính”, “sống lý tưởng”. Nhưng liệu có bao nhiêu phần trăm sự thật?

Đằng sau những thước phim khởi nghiệp truyền cảm hứng, rất nhiều founder đang sống trong một thực tế khác: đơn độc, áp lực và kiệt sức. Founder càng tiến xa thì càng cảm thấy cô lập. Càng “thành công” thì họ càng không dám thừa nhận mình đang mệt.

Theo khảo sát của Sifted tại châu Âu, 53% founder từng trải qua burnout. 93% founder có dấu hiệu căng thẳng tâm lý: stress, lo âu, mất ngủ (theo Foundologist & Forbes). Không ít người trong số đó từng nghĩ đến việc rời bỏ tất cả, không vì công ty không phát triển, mà vì chính họ đang dần mất đi kết nối với lý do bắt đầu.

Hình 1-min.png
Càng “thành công” thì các founder càng không dám thừa nhận mình đang mệt.

Founder fatigue là gì? - Không chỉ là "mệt"

Đây không phải kiểu mỏi mệt sau một tuần chạy deadline. Đó là một dạng hao mòn trường kỳ, âm thầm gặm nhấm thể chất, tinh thần lẫn cảm xúc, kiểu “cháy ngầm” rất khó nhận diện, vì chính người sáng lập không cho phép mình dừng lại, và cũng không có nơi nào để tựa vào.

Cảm giác gánh vác mọi thứ, từ chiến lược, sản phẩm, dòng tiền, nhân sự, khiến họ mặc định mình phải mạnh mẽ, phải ổn, phải biết đường. Mỗi ngày là một chuỗi “phải”: phải tăng trưởng, phải làm gương, phải truyền lửa. Và thế là họ bước vào một guồng xoay không ai dám bước ra.

Vì sao founder dễ fatigue hơn người làm thuê?

Nhiều người nghĩ founder được làm điều mình thích, linh hoạt và tự do, sao lại dễ kiệt sức? Nhưng chính sự “toàn quyền” ấy lại là cái bẫy. Càng nắm quyền, họ lại càng ít quyền được nghỉ ngơi. Họ luôn cảm thấy mình phải làm nhiều hơn tất cả mọi người, phải "tròn vai" hơn ai hết, không chỉ trong công việc mà cả trong tinh thần.

Hình 2-min.png
Founder là người nắm toàn quyền và cũng là người phải làm việc toàn diện.

Với founder, không có “tan ca”. Ngay cả khi rời khỏi laptop, tâm trí vẫn chạy: dòng tiền tháng này ra sao? Sản phẩm có sai chỗ nào? Đội nhóm có đang gắn kết? Họ sống trong trạng thái phản ứng liên tục, đến mức mất khả năng dừng lại.

Và trong tất cả những áp lực đó, thứ đáng sợ nhất lại là sự cô lập. Họ khó nói ra với đội ngũ, vì sợ làm giảm tinh thần. Họ ngại chia sẻ với nhà đầu tư, vì sợ đánh mất niềm tin. Ngay cả bạn bè cũng không phải lúc nào cũng hiểu, vì "không cùng tần số". Cái giá của việc đứng đầu, là có rất ít chỗ để dựa vào. Và khi không ai thật sự quan tâm, họ cũng dần quên mất việc lắng nghe chính mình.

Những biểu hiện “cháy âm thầm” dễ bị bỏ qua

Founder fatigue không ập đến một cách ồn ào. Nó thấm dần, lặng lẽ, đến mức chính người trong cuộc cũng khó lòng nhận ra. Vì đã quen với việc “ráng thêm chút nữa”, nên họ thường nhầm lẫn sự mệt mỏi với tính tất yếu của hành trình khởi nghiệp. Nhưng fatigue không phải là “một chút uể oải sau deadline”.

Người sáng lập dễ bỏ qua những dấu hiệu báo động đầu tiên: họ làm rất nhiều, nhưng không còn thấy ý nghĩa trong việc mình làm. Họ trở nên dễ cáu bẳn, thiếu kiên nhẫn với người khác, và với chính mình. Họ bắt đầu nghi ngờ năng lực của bản thân, dù bên ngoài vẫn đang “vận hành tốt”. Những quyết định từng mang nhiều cảm hứng giờ chỉ còn là phản xạ. Đầu óc trở nên khô khốc, không còn sáng tạo. Họ cảm thấy xa rời với lý do khiến mình bắt đầu, và đôi khi, với cả chính bản thân mình.

Điều nguy hiểm là họ giỏi chịu đựng. Họ biết cách “che” fatigue bằng sự bận rộn, bằng các cuộc họp, bằng những câu trả lời: “ổn mà”, “cũng bình thường thôi”, “startup mà, ai chẳng thế”. Nhưng nếu không dừng lại để nhìn thẳng vào mình, thì đến một lúc nào đó, fatigue sẽ không còn là cảm giác – mà là tình trạng.

Hình 3-min.png
Mini Checklist để các founder nhìn lại chính mình.

Ảo tưởng về “kiên cường” đang giết dần những người sáng lập

Trong hành trình khởi nghiệp, rất nhiều người sáng lập đã và đang kiệt sức, không phải vì thiếu năng lực, mà vì đang bị bóp nghẹt bởi chính kỳ vọng về một hình mẫu "kiên cường". Dưới đây là 3 ảo tưởng phổ biến nhưng nguy hiểm đang âm thầm đẩy họ đến giới hạn:

1. Không cho phép mình mệt

Họ nghĩ: nếu mình gục, ai sẽ gánh công ty? Ai giữ tinh thần cho team? Và rồi họ nuốt mệt vào trong, gồng lên mà không biết rằng: không ai vác mãi ba lô nặng mà không cần dừng lại thở.

2. Không ai xung quanh dám nói

Ai cũng thấy bạn mạnh mẽ, nên không ai dám chạm vào mỏi mệt. Sự im lặng làm bạn càng phải gồng. Và càng gồng, họ càng xa cách, và xa cách thì lại cô đơn. Trong một tổ chức mà người dẫn đầu không thành thật, làm sao mong mọi người làm việc bằng tất cả trái tim?

3. Văn hóa “ráng thêm chút nữa” đang cổ vũ cho sự kiệt sức

Câu nói “ráng thêm chút nữa”, nghe có vẻ tích cực, nhưng lại là con dao hai lưỡi. Khi nó trở thành khẩu hiệu sống, nó khiến người ta không dám dừng. Và trong môi trường startup, nơi ai cũng chạy, cũng gồng, cũng ráng, thì người dừng lại lại trở nên “yếu thế”. Không ai muốn mình là người đầu tiên nói: "Tôi cần nghỉ một chút".

Hình 4-min.png
“Mình không mệt”, “mình có thể làm một mình”, “ráng thêm chút nữa thôi”, những câu nói đang bào mòn các founder.

Vậy… ai lo cho người khởi nghiệp?

Sau tất cả những “ráng thêm chút nữa”, rất nhiều founder đã chạm giới hạn mà không dám dừng. Nhưng fatigue không tự biến mất. Và sự thật là: sẽ không ai thật sự lo được cho người sáng lập, nếu chính họ không cho phép mình lo cho bản thân trước. Vậy đâu là những người, hoặc lực lượng, có thể thật sự "lo cho người khởi nghiệp"?

1. Chính người sáng lập - khi họ cho phép mình thành thật với sự mệt mỏi

Người đầu tiên cần “lo” cho founder, là founder. Không ai khác hiểu rõ giới hạn của mình bằng họ, nếu họ dừng lại đủ lâu để lắng nghe. Sự thành thật ở đây không phải để than vãn hay rút lui, mà để nghỉ đúng lúc, nghỉ có trách nhiệm, và nghỉ để đi tiếp. Một khoảng lặng nhỏ để thở, để nhìn lại, để hỏi bản thân: “Mình đang chạy vì điều gì? Và mình có còn hạnh phúc trên đường đua đó không?”. Nghỉ không phải là yếu đuối. Nghỉ là để tiếp tục một cách tỉnh táo, lành mạnh và lâu dài hơn.

Hình 5-min.png
Không ai thật sự lo cho người sáng lập, nếu họ không cho phép mình lo cho bản thân trước.

2. Đội ngũ, cộng sự - khi họ dám đặt câu hỏi: “Bạn có ổn không?”

Fatigue sẽ càng âm thầm nếu người xung quanh không biết, hoặc không dám chạm vào nó. Trong một startup lành mạnh, đội ngũ không chỉ chia lửa công việc mà còn chia sẻ cả những khoảng lặng tinh thần. Một câu hỏi tưởng như đơn giản như “dạo này bạn ổn không?” có thể là thứ kéo người sáng lập ra khỏi vòng xoáy tự gồng. Văn hóa góp ý 2 chiều, sự đồng cảm và tin tưởng là nền móng để founder không cảm thấy đơn độc trong chính tổ chức của mình.

3. Cộng đồng, cố vấn, chuyên gia - khi họ tạo ra không gian để founder được là người bình thường

Mentor, nhà trị liệu, các cộng đồng founder (nếu thật sự an toàn và không phán xét) sẽ trở thành nơi hiếm hoi mà founder có thể bỏ chiếc “áo giáp lãnh đạo” xuống. Ở đó, họ không cần tỏ ra ổn, không cần “làm gương”, mà chỉ cần là một con người đang đi trên một con đường nhiều thử thách. Một người sáng lập được lắng nghe, được tư vấn, được kết nối với người cùng cảnh, sẽ đỡ cảm thấy mình lạc lõng. Và điều đó có thể là khác biệt giữa việc tiếp tục một cách lành mạnh, hay gục ngã trong im lặng.

Hình 6-min.png
Còn rất nhiều người ở bên cạnh các founder và các startup.

Về lâu dài, hệ sinh thái startup cần nhìn nhận nghiêm túc hơn về sức khỏe tinh thần, chứ không chỉ xoay quanh funding, tăng trưởng hay scale-up. Thành công bền vững không đến từ việc ai làm được nhiều nhất, mà từ việc mỗi người đều đủ lành mạnh để đi đường dài cùng nhau.

Kết bài

“Sức bền” không nằm ở chỗ bạn làm được bao nhiêu, mà ở việc bạn có còn là chính mình trong quá trình đó. Một founder giỏi không chỉ là người dẫn dắt team đến kết quả, mà còn là người biết lắng nghe bản thân, biết khi nào cần bước tiếp, và biết khi nào cần tạm dừng để giữ lại trái tim cho hành trình dài hơn.

Có thể không ai lo cho người sáng lập trước, nhưng chính họ có thể học cách lo cho mình, và từ đó, thay đổi cả cách một hệ sinh thái đối xử với người dám khởi đầu.

Nếu bạn là một người sáng lập, lần cuối bạn nghỉ ngơi thật sự là khi nào? Còn nếu bạn là cộng sự – hôm nay, bạn đã hỏi 'sếp' của mình câu gì ngoài công việc?

Share via:
Xuân Diễm
Xuân Diễm

Keep doing your thing

Related posts

Storytelling - Vũ khí giúp HR giữ chân nhân tài

Storytelling - Vũ khí giúp HR giữ chân nhân tài

Mai Anh

Mai Anh

7 hours ago

Storytelling là kỹ năng giúp HR truyền cảm hứng, nâng cao sự gắn kết và giữ chân nhân viên bằng cảm xúc, giá trị và sự kết nối thật trong văn hóa doanh nghiệp.

Founder fatigue - Ai lo cho người khởi nghiệp

Founder fatigue - Ai lo cho người khởi nghiệp

Xuân Diễm

Xuân Diễm

7 hours ago

Founder fatigue là gì mà khiến người sáng lập gãy gục trong im lặng? Một góc nhìn thẳng và thật, về sự bào mòn phía sau tinh thần khởi nghiệp.

Công thức hạnh phúc giữa dòng đời vạn biến

Công thức hạnh phúc giữa dòng đời vạn biến

Huỳnh Gấm

Huỳnh Gấm

10 days ago

Công thức sống vui không nằm ở điều gì xa vời, mà có thể bắt đầu từ những điều bạn chưa từng để ý. Đọc ngay để tìm thấy chính mình giữa dòng đời chênh vênh.

Watermelon - Nền tảng học online chất lượng cao với giảng viên quốc tế

Watermelon - Nền tảng học online chất lượng cao với giảng viên quốc tế

Mai Anh

Mai Anh

10 days ago

Trong một thị trường e-learning đang bão hoà vì số lượng, Watermelon chọn đi ngược xu hướng, tập trung vào chất lượng, tính ứng dụng và trải nghiệm học tập thật sự. Đây là nền tảng học online giúp người Việt tiếp cận giáo dục quốc tế một cách thông minh và bền vững.