Home

Blog

Từ nỗi lo mất việc đến cơn sốt ‘AI FOMO’

Từ nỗi lo mất việc đến cơn sốt ‘AI FOMO’

  • Office Runway
  • April 3, 2025
  • 9 min read
Từ nỗi lo mất việc đến cơn sốt ‘AI FOMO’

Trong kỷ nguyên AI, mối lo lớn nhất của người lao động không phải bị thay thế, mà là bị bỏ lại phía sau.

Khi trí tuệ nhân tạo (AI) bùng nổ, nhiều người lao động lo rằng công nghệ này sẽ cướp mất việc làm của họ. Tuy nhiên, thời thế đã thay đổi! Ngày nay, nỗi lo lớn hơn không phải bị AI thay thế, mà là bị bỏ lại phía sau nếu không kịp thích nghi với AI.

Hiện tượng này được gọi là "AI FOMO" (Fear of Missing Out on AI) – nỗi sợ bị tụt hậu trong cuộc đua AI. Nhân viên không ngại AI, họ ngại việc mình không biết cách tận dụng AI để làm việc hiệu quả hơn.

Vậy AI đang thay đổi tư duy của người lao động ra sao? Làm thế nào để tránh tụt hậu trong thời đại AI? Hãy cùng Watermelon tìm hiểu!

‘AI FOMO’ - AI không còn là mối đe dọa

Thay vì lo AI lấy đi việc làm, ngày càng nhiều người lao động xem công nghệ này như một công cụ giúp họ làm việc tốt hơn.

Theo khảo sát Workplace Technology của LiveCareer, 4/10 nhân viên mong muốn công ty cung cấp thêm công cụ AI để tối ưu công việc. Báo cáo Global AI Workplace của Freshworks cũng cho thấy 50% nhân viên tin rằng doanh nghiệp không ứng dụng AI sẽ bị tụt hậu.

Đặc biệt, Gen Z và Millennials – nhóm lao động trẻ nhất – đang tích cực học cách sử dụng AI để giữ vững lợi thế cạnh tranh. Bởi trí tuệ nhân tạo không chỉ giúp họ giảm tải công việc lặp đi lặp lại mà còn tạo điều kiện để tập trung vào những nhiệm vụ giá trị cao hơn.

Theo báo cáo Performance Enablement của Betterworks (khảo sát 2.100 nhân viên), 90% cho rằng AI giúp cải thiện tốc độ, chất lượng và tính sáng tạo trong công việc.

"Nhân viên cần tập trung vào các dự án quan trọng để có cơ hội thăng tiến. Nhưng điều đó rất khó nếu họ bị sa lầy vào những công việc lặp đi lặp lại. AI có thể giúp họ thoát khỏi những nhiệm vụ đó, tối ưu hiệu suất và sáng tạo hơn”, Jasmine Escalera, chuyên gia tại LiveCareer, nhận định.

1-min.jpg
50% nhân viên tin rằng doanh nghiệp không ứng dụng AI sẽ bị tụt hậu.

Xu hướng này cũng đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực như marketing, lập trình hay tài chính. Những nhân sự biết tận dụng AI để phân tích dữ liệu nhanh hơn, viết nội dung hiệu quả hơn, tối ưu báo cáo đều có lợi thế cạnh tranh lớn.

Nguyễn Minh (28 tuổi), giáo viên tiếng Anh online tại Hải Phòng từng mất hàng giờ để chấm bài tập cho học viên. Sau khi áp dụng AI vào giảng dạy, anh sử dụng ChatGPT và Grammarly để kiểm tra lỗi ngữ pháp và đánh giá bài viết nhanh hơn. Kết quả, Nguyễn Minh tiết kiệm hơn 50% thời gian chấm bài, có thêm thời gian tập trung vào giảng dạy và cải thiện chất lượng lớp học.

Nguyễn Thái Lai (25 tuổi), Content Marketing tại Hà Nội trước đây cần hàng tiếng đồng hồ để viết bài, tìm ý tưởng và tối ưu tiêu đề. Nhưng từ khi dùng ChatGPT để hỗ trợ, thời gian sản xuất nội dung giảm một nửa, lượng tương tác tăng 40% nhờ nội dung hấp dẫn hơn.

Chỉ trong vài năm, AI đã chứng minh rằng những ai biết khai thác công nghệ này không chỉ tăng năng suất mà còn có cơ hội thăng tiến nhanh hơn.

Khoảng trống kỹ năng và nguy cơ chảy máu chất xám

Dù nhân viên kỳ vọng vào AI, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có chiến lược rõ ràng để ứng dụng công nghệ này.

Theo báo cáo của Betterworks, chỉ 22% doanh nghiệp đang sử dụng AI trong hoạch định chiến lược, chưa đến 50% ứng dụng AI vào công việc sáng tạo. Hơn 1/3 nhân viên chưa hiểu AI có thể hỗ trợ họ như thế nào, và hơn 25% không biết cách dùng AI hiệu quả.

Sự chậm trễ này không chỉ khiến doanh nghiệp kém cạnh tranh hơn mà còn dẫn đến một vấn đề nghiêm trọng: chảy máu chất xám.

2-min.jpg
Những nhân tài AI đang được săn đón với mức lương đáng mơ ước.

Những nhân sự thành thạo AI không chờ đợi doanh nghiệp thay đổi. Khảo sát của Betterworks cho thấy gần 80% nhân viên có kỹ năng AI đang tìm kiếm cơ hội mới tại các công ty tiên phong.

Những tập đoàn như Google, Microsoft, OpenAI, Amazon liên tục thu hút nhân sự giỏi từ các công ty chậm đổi mới. Trong ngành tài chính, công nghệ và marketing, các doanh nghiệp như JPMorgan, Tesla, Nvidia cũng tận dụng AI để tối ưu vận hành, phân tích dữ liệu và ra quyết định nhanh hơn, tạo ra sự dịch chuyển nhân sự đáng kể.

Tại Việt Nam, làn sóng này đã bắt đầu. Các tập đoàn công nghệ lớn như FPT, Viettel, VNG đang ráo riết mở rộng đội ngũ AI để dẫn đầu trong chuyển đổi số. Ngành tài chính với các fintech như MoMo, Timo hay Cake cũng đẩy mạnh ứng dụng AI để phân tích dữ liệu và tối ưu trải nghiệm khách hàng, khiến cuộc đua nhân sự AI trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.

Theo Navigos Search, mức lương trung bình của kỹ sư AI tại Việt Nam dao động từ 4.000 - 5.000 USD/tháng (110 - 127 triệu đồng), thậm chí có thể lên đến 10.000 USD/tháng (hơn 254 triệu đồng) với nhân sự giàu kinh nghiệm. Báo cáo của TopDev cũng cho thấy mức lương trung bình của kỹ sư AI tại Việt Nam là 3.054 USD (75,9 triệu đồng), cao hơn mặt bằng chung ngành IT.

3-min.jpg
Doanh nghiệp cần nhanh chóng triển khai AI vào quy trình làm việc nếu không muốn chảy máu chất xám.

Trong bối cảnh này, nhân sự AI có nhiều lựa chọn hơn bao giờ hết. Một chuyên gia dữ liệu không chỉ nhận được lời mời từ các doanh nghiệp trong nước mà cả các công ty nước ngoài.

Ngược lại, những doanh nghiệp chậm đổi mới sẽ đối mặt với bài toán nhân sự nan giải. Khi AI ngày càng trở thành tiêu chuẩn, doanh nghiệp cần nhanh chóng triển khai AI vào quy trình làm việc để không bị bỏ lại phía sau. Đây không chỉ là cuộc chơi của công nghệ mà còn là bài toán sống còn về nhân lực.

Đào tạo AI: Kỹ năng thiết yếu của tương lai

Mischa Fisher, chuyên gia kinh tế tại Udemy, nhận định: "Thành thạo AI giờ đây không còn là một kỹ năng chuyên biệt nữa. Nó quan trọng như kỹ năng tin học văn phòng cách đây 30 năm."

Báo cáo của Udemy cho thấy nhu cầu đào tạo AI tăng vọt ở nhiều ngành nghề:

  • Dịch vụ tài chính: +75% trong quý 4 (so với 42% quý 3).
  • Sản xuất: +50%.
  • Vận tải: +11%.
  • Chính phủ: +8%.

Tại Việt Nam, xu hướng này cũng đang bùng nổ với nhiều lựa chọn đào tạo AI dành cho người đi làm:

  • Các nền tảng học trực tuyến như Coursera, Udemy, Google Career Certificates cung cấp khóa học AI từ cơ bản đến nâng cao.
  • Các trường đại học như ĐH Bách Khoa, ĐH Quốc Gia, RMIT đã tích hợp AI vào chương trình giảng dạy, không chỉ trong ngành IT mà còn ở quản trị kinh doanh, tài chính, marketing.
  • Các doanh nghiệp lớn như Viettel, FPT và nhiều doanh nghiệp nhỏ cũng đang triển khai chương trình đào tạo nội bộ về AI để nâng cao năng lực nhân viên.
4-min.jpg
Nhu cầu đào tạo AI tăng vọt ở nhiều ngành nghề, đặc biệt là dịch vụ tài chính & sản xuất.

Làm sao để không tụt hậu trong thời đại AI?

AI đang dần trở thành một phần không thể thiếu trong công việc – hãy nắm bắt cơ hội ngay từ bây giờ. Dưới đây là những bước giúp bạn luôn dẫn đầu trong cuộc đua công nghệ:

  • Hiểu rõ AI trong ngành của mình: AI không phải là công cụ chỉ dành cho lập trình viên, nó đang thay đổi mọi lĩnh vực. Hãy tìm hiểu cách AI đang ứng dụng trong ngành của bạn và trải nghiệm thực tế trong công việc.
  • Rèn luyện kỹ năng sử dụng AI: Học cách dùng ChatGPT, Gemini, Midjourney, Notion AI và các công cụ AI phổ biến trong công việc của bạn.
  • Kết hợp AI vào công việc hàng ngày: Đừng chỉ học lý thuyết, hãy thử áp dụng AI vào công việc thực tế mỗi ngày để tối ưu năng suất.
  • Luôn cập nhật xu hướng AI: Theo dõi các báo cáo về AI, tham gia các hội thảo, nhóm thảo luận về công nghệ. Một số nguồn tin cậy gồm như báo cáo AI từ McKinsey, Gartner, OpenAI, sự kiện công nghệ Vietnam AI Summit, Google I/O, nhóm AI trên LinkedIn, Facebook, hoặc diễn đàn Reddit.
5-min.png
Đừng đợi đến khi AI trở thành tiêu chuẩn – hãy chủ động học ngay từ bây giờ.

Kết luận

Trong lịch sử, những cuộc cách mạng công nghệ chưa bao giờ loại bỏ con người – chúng chỉ thay đổi cách chúng ta làm việc. AI cũng không ngoại lệ. Thay vì lo lắng về việc bị thay thế, hãy đặt câu hỏi: Làm thế nào để AI trở thành cánh tay đắc lực cho mình?

Những ai biết cách khai thác sức mạnh của AI sẽ không chỉ giữ vững vị trí mà còn vươn lên dẫn đầu. AI không lấy đi cơ hội của bạn – nó chỉ chuyển cơ hội đó cho những ai biết cách tận dụng nó.

Share via:
Mai Anh
Mai Anh

Với hơn 6 năm làm việc trong lĩnh vực Báo chí – Truyền thông, tôi xem viết là cách lắng nghe thế giới và phản hồi lại bằng sự tử tế, chỉn chu.

Related posts

Khi văn phòng thành studio TikTok - Xu Hướng Mới Trong Xây Dựng Thương Hiệu Doanh Nghiệp

Khi văn phòng thành studio TikTok - Xu Hướng Mới Trong Xây Dựng Thương Hiệu Doanh Nghiệp

Xuân Diễm

Xuân Diễm

5 days ago

Văn phòng không chỉ là nơi làm việc, mà còn có thể trở thành studio TikTok. Doanh nghiệp đang đua nhau dựng studio tại chỗ, nhân viên từ bàn giấy hóa content creator. Vấn đề không phải là quay hay không, mà là làm sao để biến văn phòng thành studio TikTok, làm thế nào để xây dựng thương hiệu viral, văn hóa doanh nghiệp sáng lên mà KPI vẫn chạy mượt. Bạn đã sẵn sàng chưa?

Thương hiệu cá nhân: “chiếc rìu vàng” của thế hệ First-Self

Thương hiệu cá nhân: “chiếc rìu vàng” của thế hệ First-Self

HT Võ Duyên

HT Võ Duyên

10 days ago

Người ta có thể không dùng mạng xã hội X nhưng chắc chắn sẽ biết tỷ phú Elon Musk. Tương tự, người ta có thể không dùng sản phẩm từ Apple nhưng chắc chắn sẽ biết Tim Cook. Không đơn giản là nổi tiếng, họ biến tên mình thành “mỏ vàng” trên cuộc chiến kinh doanh. Sự thành công này có khiến thương hiệu cá nhân có tiếp tục trở thành xu hướng trong những năm tới?

Vai trò của trí tuệ cảm xúc (EQ) trong quản trị nhân sự

Vai trò của trí tuệ cảm xúc (EQ) trong quản trị nhân sự

Giàu Dương

Giàu Dương

14 days ago

Để các nhà lãnh đạo thành công bước vào kỷ nguyên mới, trí tuệ cảm xúc (EQ) là chìa khóa giúp duy trì động lực, gắn kết đội ngũ và gia tăng hiệu suất công việc.

Tiếng ồn nâu: Xu hướng tương lai của thiết kế văn phòng

Tiếng ồn nâu: Xu hướng tương lai của thiết kế văn phòng

Mai Anh

Mai Anh

19 days ago

Bạn bị xao nhãng bởi tiếng ồn văn phòng? Tiếng ồn nâu – bí quyết âm thanh mới giúp bạn tập trung hơn, giảm căng thẳng và nâng cao hiệu suất làm việc!