Vừa qua, Spotify đã ra mắt phông chữ riêng mang tên “Spotify Mix”. Động thái này nhằm tạo nên bản sắc độc đáo và phân biệt Spotify với các đối thủ cạnh tranh. Sự thay đổi trên đã thu hút sự chú ý không nhỏ, không chỉ vì tầm quan trọng của phông chữ trong marketing mà còn bởi những tranh cãi và bài học tương tự trong quá khứ từ các thương hiệu khác.
Tại sao Spotify tung ra phông chữ riêng của mình?
“Spotify Mix” là kiểu chữ sans-serif kết hợp giữa các góc nhọn và những đường cong mượt mà, tạo nên một “điểm nhấn riêng biệt” theo lời Rasmus Wängelin - Giám đốc thiết kế thương hiệu toàn cầu của Spotify. Kiểu chữ này thoát khỏi những ràng buộc truyền thống và phản ánh tính chất năng động và đa dạng của văn hóa âm thanh.
“Spotify Mix” giúp tăng khả năng đọc trên các thiết bị nhỏ hơn như smartphone và ipad. Đây là điều rất quan trọng trong bối cảnh người dùng ngày càng ưa chuộng việc xem nội dung trên các thiết bị di động. Ngoài việc mang lại cho Spotify một diện mạo mới mẻ, dễ nhận diện và đồng nhất trên tất cả các nền tảng, sự thay đổi này còn giúp củng cố thương hiệu, tạo sự khác biệt trong thị trường cạnh tranh.
Trong quá khứ, nhiều thương hiệu lớn đã làm mới phông chữ để nâng cao nhận diện. Những thay đổi này thường mang lại tiếng vang lớn, giúp họ tiếp cận gần hơn với khách hàng. Tuy nhiên, liệu có phải lúc nào sự đổi mới cũng nhận được sự đón nhận tích cực?
Phông chữ thương hiệu - Đòn bẩy hay rủi ro cho chiến dịch trong Marketing?
Việc thay đổi phông chữ không chỉ là quyết định về mặt thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến nhận thức của khách hàng và sự thành công của thương hiệu. Mạng xã hội Twitter 3 năm trước đã giới thiệu phông chữ độc quyền của mình là “Chirp", phá cách hơn và cải thiện mức độ dễ đọc nội dung cho người dùng. Hay như Instagram, khi trải qua quá trình làm mới hình ảnh, nền tảng này đã đổi thành phông chữ “Billabong” để trở nên hiện đại và dễ nhận diện hơn.

Có thể thấy rằng, sức mạnh của phông chữ trong marketing là rất rõ ràng. Điển hình là phông chữ đậm sans-serif của Nike toát lên sự tự tin và đầy năng lượng, trong khi phông chữ script cổ điển của Coca-Cola gợi lên cảm giác hoài cổ. Phông chữ đơn giản và rõ ràng của Apple giúp nhấn mạnh các thông điệp chính và tính năng của sản phẩm, tạo nên trải nghiệm dễ chịu và nhất quán cho người dùng. Việc chọn đúng phông chữ giúp truyền tải thông điệp một cách mạnh mẽ và hiệu quả, gắn kết khách hàng với thương hiệu.

Tuy nhiên, việc thay đổi phông chữ của một số thương hiệu lớn đã không ít lần khiến khách hàng “khóc thét". Năm 2009, Tropicana đã từng đổi bao bì với font chữ sans-serif, dẫn đến sự hoang mang và không nhận diện được sản phẩm của khách hàng. Doanh số giảm mạnh, buộc Tropicana phải quay lại thiết kế cũ sau 2 tháng. Một năm sau, thương hiệu Gap đổi logo với font chữ sans-serif Helvetica, gây phản ứng dữ dội từ khách hàng. Sự thay đổi đột ngột này bị cho là thiếu sáng tạo và không mang lại giá trị rõ ràng, dẫn đến việc Gap phải quay lại sử dụng logo cũ chỉ sau một tuần. Hay như trường hợp của Yahoo! 11 năm về trước ra mắt logo mới với font chữ sans-serif thanh thoát hơn, nhưng nhận được phản ứng trái chiều từ khách hàng vì mất đi sự vui tươi và bản sắc vốn có của thương hiệu. Việc thay đổi phông chữ không chỉ đơn thuần là một quyết định thiết kế mà còn tác động sâu sắc đến nhận thức và cảm xúc của khách hàng.


Trong phim, việc sử dụng phông chữ cũng có thể tạo ra những hiệu ứng tương tự. Ví dụ trong “Harry Potter”, phông chữ được sử dụng cho tiêu đề đã trở thành biểu tượng gợi lên một thế giới phép thuật đầy bí ẩn và cuốn hút. Phông chữ này giúp tạo nên bầu không khí đặc trưng của loạt phim và trở thành một phần quan trọng trong bộ nhận diện thương hiệu của Harry Potter, tạo ra sự kết nối mạnh mẽ với người hâm mộ trên toàn thế giới.

Hay như cuốn “The Great Gatsby” của F. Scott Fitzgerald cũng là một ví dụ điển hình. Phiên bản bìa của cuốn sách này thường sử dụng phông chữ Art Deco, phản ánh bối cảnh thập niên 1920 của câu chuyện. Phông chữ này đã làm nổi bật thiết kế bìa và tạo ra một sự kết nối với độc giả về mặt thời gian và không gian, gợi lên không khí xa hoa của thời kỳ đó.
Kết
Trong tổng thể, phông chữ không chỉ là một yếu tố thẩm mỹ có thể mang lại nhiều lợi ích lớn, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro nếu không được thực hiện đúng cách. Spotify với phông chữ mới “Spotify Mix” là một ví dụ về cách một thương hiệu lớn đang cố gắng tạo ra sự khác biệt và củng cố bản sắc hình ảnh của mình. Các thương hiệu khác như Gap, Tropicana, Yahoo!,... đã có những bài học quý giá từ việc thay đổi phông chữ, cho thấy tầm quan trọng của sự nhất quán và phản ánh đúng giá trị thương hiệu. Phông chữ không chỉ là yếu tố thẩm mỹ mà còn là công cụ mạnh mẽ để truyền tải cảm xúc và thông điệp, tạo ra sự kết nối mạnh mẽ với khách hàng, mang lại lợi thế cạnh tranh trong thị trường ngày càng khốc liệt.