Tái định vị thương hiệu (Rebranding) là chiến lược không còn xa lạ với giới truyền thông - marketing. Chiến lược này không chỉ nằm ở một chiếc logo được thiết kế mới mà còn liên quan tới việc định hình lại cá tính và sản phẩm của thương hiệu trong một giai đoạn mới. Rebranding gồm những hoạt động gì và có tác động như thế nào đến doanh nghiệp? Khi nào thì nên tái định vị thương hiệu? Hãy cùng thảo luận qua bài viết dưới đây nhé!
Tầm quan trọng của định vị thương hiệu
Thông thường, tái định vị thương hiệu thường là hoạt động có tính chiến lược của các doanh nghiệp, nhãn hàng lớn, lâu năm, đã có uy tín với người tiêu dùng. Nếu chiến lược thành công, đó sẽ là một cú hích giúp tăng trưởng doanh số vượt bậc. Hoặc nếu không, rebranding sẽ trở thành phép thử giúp đánh giá vị thế thương hiệu trên thị trường.
![hình 1.png](https://admin.blog.hiwatermelon.com/uploads/hinh_1_59f4ef4a07.png)
Rebranding là gì?
Tái định vị thương hiệu được hiểu là quá trình mà doanh nghiệp hay đổi bộ nhận diện, sản phẩm hoặc các yếu tố khác liên quan đến việc làm mới thương hiệu. Quá trình này nhằm mang tới hình ảnh và cảm xúc mới mẻ cho khách hàng về thương hiệu, gây chú ý và kích thích sự hiếu kỳ của khách hàng. Từ đó sẽ thúc đẩy họ tìm hiểu về sản phẩm, kích cầu mua sắm và tăng doanh thu cho nhãn hàng.
Không chỉ là đổi bộ nhận diện thương hiệu
Rebranding thường được biết đến là chiến lược Marketing liên quan đến thay đổi nhận diện thương hiệu: logo, màu sắc, các biểu tượng đại diện, bao bì sản phẩm, định hướng các key visual quảng cáo....Tuy nhiên, rebranding không chỉ dừng lại ở đó mà còn có rất nhiều hoạt động phổ biến như:
- Thay đổi mô hình kinh doanh: các thay đổi về đối tượng khách hàng ví dụ từ B2C (business to customers) sang B2B (business to business)
- Thay đổi thị trường: doanh nghiệp thay đổi thị trường như chuyển từ nội địa sang thị trường quốc tế hoặc ngược lại hoặc chuyển từ phân khúc tệp khách hàng độ tuổi trung niên sang tiếp cận đối tượng giới trẻ,...
- Xác định lại tầm nhìn và sứ mệnh công ty: ở một giai đoạn mới, các doanh nghiệp lâu năm sẽ có xu hướng tái cơ cấu hoặc xem xét lại định hướng, sứ mệnh để phù hợp thị trường mới. Dù chỉ là hoạt động nội bộ nhưng điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các định hướng về tiếp thị, kinh doanh và nghiên cứu sản phẩm.
- Thay đổi slogan (khẩu hiệu): slogan chính là một trong những ấn tượng dễ ghi nhớ của thương hiệu với khách hàng do đó đây cũng là chiến lược nhằm tái định vị khi được làm mới
- Cải tiến sản phẩm cốt lõi hoặc ra mắt sản phẩm chủ lực mới: sản phẩm cốt lõi/chủ lực là những sản phẩm mà doanh nghiệp có sự nổi bật, cạnh tranh cao so với nhãn hàng khác. Khi tạo mới hay cải tiến sản phẩm cốt lõi cũng là một bước tái định vị nhãn hàng trên thị trường.
Có thể thấy, các hoạt động nhằm tái định vị thương hiệu không chỉ là phần việc về riêng của bộ phận Marketing. Chiến lược này đòi hỏi sự phối hợp cả toàn bộ các phòng ban để giúp cho kế hoạch rebranding được thông suốt và thành công.
Lợi ích khi tái định vị thương hiệu
Hoạt động tái định vị thương hiệu chắc chắn sẽ là kế hoạch tiêu tốn một khoản chi phí lớn của doanh nghiệp. Song “cái giá” này sẽ không là quá đắt bởi 7 lợi ích từ rebranding mang lại khi thành công:
- Thu hút nhiều khách hàng hơn
Mục tiêu lớn nhất của bất kì chiến lược tiếp thị - kinh doanh nào chính là thu hút nhiều khách hàng hơn và tăng doanh số. Tái định vị thành công sẽ giúp thương hiệu của bạn trở nên nổi bật, gây ấn tượng mạnh củng cố sự trung thành của khách hàng cũ và thu hút thêm khách hàng mới.
- Tăng giá trị sản phẩm
Chiến lược tái định vị cũng là một trong những cách khéo léo để nâng giá sản phẩm. Khách hàng sẽ không bỏ ra số tiền nhiều hơn để mua món hàng đã cũ hoặc quen thuộc. Nhưng với sản phẩm được rebranding, thương hiệu có thể định giá cao hơn bởi cảm giác được sở hữu và trải nghiệm những sản phẩm mới.
- Khác biệt so với đối thủ cạnh tranh
Quá trình ra chiến lược tái định vị diễn ra nội bộ và hầu như không có một cột mốc chung nào cho các doanh nghiệp. Thương hiệu của bạn hoàn toàn có thể gây bất ngờ, đi trước đối thủ bằng chiến lược tái định vị phù hợp.
- Giảm chi phí Marketing
Lợi ích này có vẻ không hợp lý? Nhưng thực tế, khi chiến lược tái định vị thành công sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí tiếp thị trong một khoảng thời gian khá dài sau đó với doanh số vượt bậc so với các thủ thuật chạy quảng cáo thường ngày. Thậm chí chỉ một lần đổi thương hiệu, sản phẩm có thể lan tỏa rộng rãi và trở nên quen thuộc, tăng sự gắn kết từ khách hàng và bạn không cần phải quảng cáo lại nhiều lần nữa.
- Thu hút nhân tài
Tái định vị không chỉ giúp bạn thu hút khách hàng mà còn giúp tạo nên danh tiếng cho doanh nghiệp để thu hút nhân sự tài năng. Điều này đóng góp ý nghĩa rất lớn vào việc truyền thông thương hiệu tuyển dụng (Employer Branding).
Tùy vào loại hoạt động và mục tiêu của chiến dịch rebranding mà lợi ích mang lại sẽ khác nhau. Điều quan trọng nhất là thương hiệu của bạn phải xác định được thời điểm thích hợp để tái định vị.
Khi nào nên tái định vị thương hiệu?
Tái định vị là hoạt động tốn rất nhiều thời gian để lên ý tưởng và sự phối hợp nhiều phòng ban, bộ phận; tiêu tốn khoản chi phí lớn trong ngân sách tiếp thị. Vì vậy các doanh nghiệp rất cần biết đúng thời điểm để thực hiện. Vậy khi nào là thời điểm mà thương hiệu cần tái định vị?
![hình 2.png](https://admin.blog.hiwatermelon.com/uploads/hinh_2_6e91556b0f.png)
- Hình ảnh thương hiệu đã quá cũ
Cuộc cách mạng nhận diện thương hiệu thường dễ trở nên lan tỏa hơn bao giờ hết. Khi Thị hiếu khách hàng thay đổi (theo nhận thức xã hội hoặc các xu hướng mới là lúc mà doanh nghiệp cần phải xem xét “f5” bộ nhận diện; bao gồm: logo, màu sắc, visual content, bao bì sản phẩm…
- Sản phẩm/dịch vụ lỗi thời
Nếu sản phẩm của bạn được nghiên cứu và phát triển khoảng nhiều năm về trước thì chắc chắn đã có nhiều điểm lỗi thời, không còn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện tại. Sự phát triển của xã hội, công nghệ đã giúp cuộc sống con người tiện nghi hơn, thay đổi nhiều thói quen tiêu dùng. Vì vậy khi nhận thấy sản phẩm không còn được ưa chuộng, doanh nghiệp phải xem xét tái định vị lại.
- Muốn mở rộng tệp khách hàng
Nếu doanh nghiệp muốn mở rộng phát triển sản phẩm cho nhiều đối tượng hơn thì việc tái định vị là việc phải làm. Khi mở rộng thị trường, bạn cần một “thông báo” đến khách hàng, và hoạt động rebranding chính là công cụ phù hợp.
- Muốn tăng giá sản phẩm
Như đã đề cập, việc tái định vị với những hình ảnh và thông điệp mới là cơ hội tốt để thương hiệu của bạn tăng giá sản phẩm. Nếu doanh nghiệp muốn nâng giá sản phẩm vì giá nguyên liệu hoặc vốn tăng hay lý do nào khác hãy nghĩ đến việc tái định vị thương hiệu.
Thay đổi để tạo cú hích cho giai đoạn mới
Không ít thương hiệu lớn, lâu đời đã thực hiện thành công chiến lược tái định vị. Dưới đây là một số câu chuyện rebranding mang lại hiệu quả và cú hích lớn trên thị trường, sẽ giúp bạn thêm niềm tin vào phương pháp truyền thông - marketing này.
Vinamilk và chiến lược viral bộ nhận diện mới
Gần đây nhất, chiến dịch tái định vị bộ nhận diện thương hiệu của Vinamilk đã trở thành một chiến dịch viral với tốc độ lan tỏa không tưởng., “phủ xanh” ảnh đại diện của người dùng Mạng xã hội.
Sau 47 năm hoạt động, hãng sữa đứng 36 trên thế giới - Vinamilk đã quyết định tái định vị thương hiệu cho bước chuyển mình trong giai đoạn mới theo tinh thần "táo bạo, quyết tâm và luôn là chính mình". Bộ nhận diện thương hiệu mới được đầu tư “khủng” với sự góp mặt hỗ trợ từ 55 chuyên gia thương hiệu, sáng tạo toàn cầu.
![hình 3.png](https://admin.blog.hiwatermelon.com/uploads/hinh_3_5d2d2c120a.png)
Theo đó, logo Vinamilk được thay đổi từ dạng phù hiệu kiểu chữ emblem sang biểu tượng chữ wordmark. Tên thương hiệu được viết nét tay mạnh mẽ, phóng khoáng. Nét cười ở dấu chấm của chữ "i" mang ý nghĩa hy vọng người dùng luôn giữ nụ cười trên môi. Hình ảnh giọt sữa phần bụng chữ "a" và dòng "Est 1976" gợi nhắc năm thành lập công ty và sữa - sản phẩm làm nên tên tuổi doanh nghiệp. Màu sắc của logo mới vẫn là sự kết hợp hài hòa giữa màu xanh rực rỡ và trắng kem sữa vừa quen vừa lạ, kèm theo là bảng màu nhiệt đới nổi bật thay đổi toàn diện bao bì sản phẩm. Vinamilk còn chủ động tạo các form thiết kế ảnh đại diện sẵn theo logo này để tăng mức độ lan tỏa của chiến dịch, đặc biệt là tiếp cận giới trẻ.
Không chỉ dừng lại ở đổi nhận diện mới lạ bắt mắt, Vinamilk còn thay đổi cả cách trưng bày sản phẩm mới lạ theo hình chữ V, xếp thành bức tranh đồng cỏ tại các kệ hàng để thu hút người tiêu dùng. Chiến lược thay đổi toàn diện từ bộ nhận diện đến tầm nhìn, tinh thần mới lần này càng khẳng định Vinamilk là thương hiệu lớn mạnh, luôn thích nghi và thay đổi trong bối cảnh mới - khi kinh tế xã hội có nhiều thay đổi, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ.
MBBank (Ngân hàng quân đội) xóa bỏ định hình ảnh cứng nhắc
Với chiến lược tái định vị “chậm mà chắc”, MB Bank đã phá vỡ định kiến về một ngân hàng quân đội “cứng nhắc” thành thương hiệu gần gũi với người dùng trẻ tuổi với nhiều đổi mới, cải tiến hợp xu hướng.
Năm 2019, MB Bank lần đầu đổi logo sang những đường nét hiện đại, trẻ trung và năng động. Logo cũ được tách biệt làm 3 phần đó là hình ngôi sao màu đỏ, phần chữ MB nằm nghiêng to rõ nhất, bên dưới là dòng chữ “ngân hàng quân đội”. Logo mới bỏ đi dòng chữ “Ngân Hàng Quân Đội” phía dưới logo; hình ảnh ngôi sao đỏ không còn là hình sao liền nhau giữa các nét nữa mà là hình sao được ghép từ 10 cụm hình khối màu đỏ đặt nghiêng lại với nhau. Đường nét hai chữ cái MB không còn rườm rà như cũ mà thay vào đó là sự chắc chắn, vững chãi. Cùng với sự thay đổi đó chính là quyết định tái định vị - chuyển đổi số tích cực của MB Bank với rất nhiều sản phẩm mới và ứng dụng MB Bank, hiện đã vượt trội về trải nghiệm khách hàng, nhiều ưu đãi thanh toán hấp dẫn.
Thêm vào đó, MB Bank cũng thay đổi cách tiếp cận khách hàng trẻ tuổi, hướng tới đa dạng hóa đối tượng khách hàng qua các chiến lược nội dung. Cụ thể như loạt nội dung dạng tiểu phẩm ngắn thú vị, hợp xu hướng trên Tiktok, nhận về hàng triệu lượt xem và chia sẻ. Từ những bước đi tái định vị đó, MB Bank thu về những con số ấn tượng về doanh thu và độ nhận diện thương hiệu rộng khắp và các sản phẩm nổi bật: MB Private (phân khúc cao cấp), MB Priority (phân khúc trung - cao cấp), MB Modern Youth (dành cho giới trẻ).
![hình 4.png](https://admin.blog.hiwatermelon.com/uploads/hinh_4_abd2a54e09.png)
Biti's - không còn là hãng giày dép thế hệ cũ
Hãng giày dép lâu đời Biti’s đã quá nổi tiếng với lần tái định vị thành công vượt mong đợi của dòng giày thể thao dành cho thế hệ trẻ, xóa bỏ hình ảnh thương hiệu cũ kĩ lâu năm. Mỗi khi nhắc đến Biti’s thì chắc hẳn ai ở thế hệ 7x 8x đều nhớ đến câu slogan “Biti’s Nâng niu bàn chân Việt” đã đi sâu vào tâm trí. Tuy nhiên, mẫu mã sản phẩm và hình ảnh thương hiệu phần nào đã không còn phù hợp thẩm mỹ hiện tại, khó tiếp cận đối tượng mới.
Chiến lược tái định vị kết hợp với các nghệ sĩ trẻ như Sơn Tùng MTP hay Soobin Hoàng Sơn với câu chuyện ca nhạc “Đi để trở về” là một bước đi cực kỳ táo bạo và sáng tạo, giúp Biti’s “hồi sinh” khẳng định sự chuyển mình và nắm bắt kịp xu hướng mới. Nắm bắt tâm lý thích đi khám phá của giới trẻ, Biti’s lồng ghép câu chuyện trở về quê nhà, ra mắt vào đúng các dịp Tết Nguyên đán đúng tâm lý, tạo hiệu ứng viral tự nhiên cực tốt. Cùng với đó, những dòng sản phẩm mới - cụ thể là giày thể thao Biti’s Hunter được ra đời với mẫu mã hợp thời, bắt mắt và chất lượng cao, thu hút đối tượng khách hàng giới trẻ.
![hình 5.jpg](https://admin.blog.hiwatermelon.com/uploads/hinh_5_fd9d562484.jpg)
Nhờ “bắt mạch” đúng đối tượng mục tiêu mới và bước đi tái định vị đúng đắn, trong 5 năm gần đây, thương hiệu các bộ sưu tập Biti’s Hunter luôn được giới trẻ săn đón và nhớ mặt đặt tên Biti’s trong lòng thế hệ gen Z, xóa bỏ định kiến về một thương hiệu lỗi thời, xưa cũ.
03 Nguyên tắc tái định vị thành công
Từ Vinamilk, MB Bank, Biti’s hay rất nhiều thương hiệu đã thành công khi tái định vị thương hiệu, có thể rút ra 03 nguyên tắc chính để chiến lược này khả dụng.
Thấu hiểu khách hàng mục tiêu
Khách hàng chính là trung tâm của chiến lược tái định vị và là nhân tố chủ yếu tạo ra sự thành công cho doanh nghiệp của bạn. Do đó, việc tìm hiểu chân dung khách hàng mục tiêu là bước bắt buộc ở bất kì chiến lược tiếp thị hay kinh doanh nào.
Với việc tái định vị, thường doanh nghiệp sẽ hướng tới mở rộng tệp khách hàng. Việc thấu hiểu hành vi, nhu cầu, sở thích và điểm tâm lý của khách hàng rất quan trọng để tạo ra chiến lược nội dung truyền thông “trúng đích” và cải tiến lại sản phẩm phù hợp thị hiếu đối tượng mới.
Có sản phẩm cốt lõi dẫn đầu
Sản phẩm tốt và chất lượng sẽ là yếu tố quyết định sự gắn bó của khách hàng. Một chiến lược rebranding tốt phải đi kèm sự cải tiến và thay đổi tích cực ở sản phẩm cốt lõi của thương hiệu. Việc này nhằm để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, không chỉ thu hút ở nhận diện hình ảnh mới. Điều này có thể thấy rõ ở chiến lược tái định vị của Biti’s khi mà cả hình ảnh và chất lượng sản phẩm đều được cải tiến, đem lại trải nghiệm tốt cho khách hàng.
Vận dụng tối đa và phối hợp các kênh truyền thông
Một chiến lược tái định vị tốt chắc chắn không thể thiếu sự trợ lực của các phương tiện truyền thông đại chúng. Doanh nghiệp biết cách vận dụng phối hợp các kênh truyền thông sẽ tạo ra một bàn đạp lan tỏa thông điệp tái định vị đến đông đảo khách hàng ở nhiều nền tảng. Bên cạnh đó, thương hiệu cần phải điều chỉnh nội dung và cách thể hiện để phù hợp từng nền tảng truyền thông, từ đó phát huy tác dụng tốt nhất.
Phép thử để nhìn lại thương hiệu
Nhiều thương hiệu lớn cũng từng có nhiều lần tái định vị nhưng bất thành. Sự thất bại đó không hẳn mang lại sự thụt giảm doanh số nhưng lại không để lại ấn tượng và chuyển mình vượt trội cho doanh nghiệp. Khi đó, tái định vị chính là phép thử để thương hiệu tự đánh giá lại mình trên thương trường và chiến lược kinh doanh.
Xiaomi và chiếc logo 7 tỉ đồng gây tranh cãi
Năm 2021, hãng công nghệ nổi tiếng Xiaomi đã ra mắt hoạt động tái định vị với việc thiết kế lại logo. Theo thông tin từ hãng, logo mới có đường nét hiện đại và năng động hơn với đường bo góc cong mềm mại hơn logo cũ hình vuông. Đáng nói, dù bỏ ra ngân sách đến 7 tỉ đồng thuê một nhà thiết kế nổi tiếng người Nhật thiết kế lại logo nhưng chiến lược này lại không mang lại ấn tượng lớn với khách hàng. Nhiều người cho rằng, bỏ ra ngân sách lớn như vậy mà logo chỉ đổi từ góc vuông sang góc tròn thì cũng không khiến trải nghiệm của họ tốt hơn. Một số khác còn đặt câu hỏi về thông điệp khi nhà sản xuất này muốn đem lại là gì? Vì vậy, chiến lược này đã bị người tiêu dùng “phớt lờ” và dấu ấn duy nhất là ngân sách khủng để vẽ lại logo.
![hình 6.jpg](https://admin.blog.hiwatermelon.com/uploads/hinh_6_739faa40a4.jpg)
Hãng thời trang Gap trở về logo cũ sau 1 tuần
Hãng thời trang nổi tiếng Gap cũng đã từng gặp rắc rối tương tự với việc đổi logo. Hãng này cố gắng làm mới logo của mình từ nền xanh navy chữ trắng sang nền trắng chữ đen kèm theo một ô vuông màu xanh navy nhỏ góc phải. Chiếc logo mới khiến khách hàng khó hiểu bởi chiếc logo mới mang hơi hướm màu sắc công nghệ, quá đơn giản, không nổi bật và không hợp với lĩnh vực trời trang. Sau đó, với nhiều ý kiến phê bình, Gap đã phải quay lại dùng logo cũ chỉ sau đúng 1 tuần và dùng cho tới hiện nay.
![hình 7.jpg](https://admin.blog.hiwatermelon.com/uploads/hinh_7_3f00dcc971.jpg)
Nỗ lực đổi thương hiệu khiến Coca-Cola giảm doanh số
Trong lịch sử ngành tiếp thị - truyền thông, phải nhắc đến một lần Coca Cola cố gắng đổi thương hiệu của mình sang một cái tên mới và bao bì mới vào năm 1985. Thương hiệu được dự kiến sẽ đổi từ Coca-Cola với dòng chữ uốn lượn quen thuộc sang tên mới New Coke và chữ thô cứng hơn, đồng thời có sự thay đổi về hương vị để cạnh tranh với đối thủ Pepsico “truyền kiếp”. Một số người còn đến cửa hàng để mua số lượng lớn lon Coca cũ để dự trữ vì không muốn trải nghiệm sản phẩm mới. Trước sự phản ứng dữ dội của người tiêu dùng đã khiến hãng này phải quay về nhận diện cũ và hương vị nguyên bản.
Rủi ro từ chiến lược tái định vị thất bại
Có thể thấy, không phải lúc nào làm mới cũng là tốt khi thương hiệu không thấu hiểu rõ người tiêu dùng và hiểu rõ chính thương hiệu của mình. Vậy bài học rủi ro ở đây là gì khi một thương hiệu thực hiện rebranding thất bại?
Thay đổi hệ giá trị của thương hiệu
Khi tái định vị tức là doanh nghiệp của bạn cũng thay đổi những giá trị cốt lõi để có thể mang lại cho khách hàng khi trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ. Không chỉ làm theo cái thị trường muốn, doanh nghiệp còn phải cân đối với giá trị mà bản thân muốn đem lại để tạo bản sắc riêng. Sự thay đổi này ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của thương hiệu và nhiều bộ phận để cùng nhau thống nhất. Do đó, nếu bạn chưa định hình rõ được hệ giá trị thương hiệu và điều khách hàng của bạn thật sự, chiến lược tái định vị rất có thể sẽ thất bại và khó trở lại như cũ.
Khủng hoảng truyền thông
Khủng hoảng truyền thông là rủi ro thường xảy ra nhất khi thực hiện tái định vị bởi các ý kiến trái chiều, phản ứng khó lường của khách hàng. Bên cạnh đó, việc tái định vị còn có thể gây khủng hoảng truyền thông nội bộ khi một số nhân sự sẽ cảm thấy không còn cùng chí hướng và hệ giá trị với những người đứng đầu chiến lược.
Tiêu tốn nhiều chi phí
Xiaomi tốn đến 7 tỉ đồng để làm lại logo nhưng không tạo được thay đổi lớn cho thương hiệu. Vinamilk đầu tư khủng hàng tỉ đồng mời chuyên gia nổi tiếng thế giới cố vấn. Không sai khi nói kế hoạch tái định vị như “đánh canh bạc” với doanh nghiệp. Rủi ro về tiền bạc, ngân sách chắc chắn sẽ xảy ra dù chiến lược thành công hay thất bại. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải cân nhắc thật kỹ trước khi ra quyết định này.
05 câu hỏi doanh nghiệp cần tự khảo sát trước khi muốn tái định vị thương hiệu
Với nhiều rủi ro nhưng cũng nhiều lợi thế, 05 câu hỏi chiến lược dưới đây sẽ giúp doanh nghiệp của bạn bắt đầu cân nhắc về việc tái định vị thương hiệu đúng thời điểm, giảm tối thiểu các rủi ro.
- Sản phẩm của bạn có đang bị lỗi thời?
So sánh sản phẩm của bạn so với các đối thủ ở thời điểm hiện tại, đồng thời quan sát và nghiên cứu các xu hướng tiêu dùng mới để tìm hiểu định vị sản phẩm của bạn.
- Doanh nghiệp có đủ tiềm lực phục vụ khách hàng phân khúc mới?
Một khi tái định vị thành công, doanh nghiệp của bạn sẽ đón nhận hàng loạt khách hàng mới, thậm chí phân khúc mới. Liệu doanh nghiệp của bạn đã xây dựng tiềm lực đủ để phục vụ tốt tất cả khách hàng mới này?
- Nhận diện thương hiệu có đang quá cũ và nhàm chán?
Thẩm mỹ thị hiếu khách hàng sẽ thay đổi rất nhanh chóng, đặc biệt ở thời buổi mà sự sáng tạo được lên ngôi với nhiều xu hướng phá cách, vượt qua các khuôn khổ. Vì vậy bạn phải luôn cập nhật các xu hướng thiết kế và mẫu mã sản phẩm mới để định hình lại nhận diện thương hiệu của mình.
- Doanh nghiệp của tôi đã đạt được tất cả mục tiêu trước đó chưa?
Ở mỗi giai đoạn, các doanh nghiệp sẽ có những mục tiêu riêng. Thời điểm một doanh nghiệp đã đạt được gần như tất cả cột mốc và mục tiêu đã đề ra thì cũng là lúc thích hợp để nhìn lại kết quả và tái định vị thương hiệu cho giai đoạn mới.
- Bạn có thể dành ngân sách bao nhiêu cho việc tái định vị?
Ngân sách vẫn là bài toán rất lớn ở bất kỳ hoạt động truyền thông nào. Bạn cần chắc chắn về mức ngân sách có thể chi trả và trao đổi với các chuyên gia cố vấn để cân đối phù hợp với mong muốn của doanh nghiệp về hoạt động tái định vị.
- Bạn đã chuẩn bị phương án xử lý khủng hoảng?
Như đã đề cập, khủng hoảng truyền thông là một trong những rủi ro phổ biến khi tái định vị thương hiệu. Bạn cần phải chuẩn bị sẵn vài kịch bản qua các câu chuyện thất bại đã có để kịp thời ứng biến.
Tái định vị thương hiệu không chỉ mang đến cho doanh nghiệp những cơ hội mới để tăng doanh số vượt bậc mà còn giúp đo lường vị thế của thương hiệu trên thị trường. Dù là cú hích hay phép thử, đây cũng là một chiến lược truyền thông đáng thử với một sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chỉn chu. Không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tận dụng tốt các lợi thế của chiến lược tái định vị, thậm chí còn có thể gặp rủi ro lớn. Nếu không có “big idea” (ý tưởng lớn) ấn tượng để tái định vị ngoạn mục, doanh nghiệp có thể nghĩ đến việc cải thiện và tối ưu chất lượng sản phẩm & dịch vụ, thay đổi chiến lược nội dung marketing để đưa thương hiệu đến gần hơn, tăng trải nghiệm cho khách hàng.