Sở dĩ tiêu đề của bài viết là “Tình trạng kiệt sức trong làm việc” chứ không phải “Tình trạng kiệt sức nơi làm việc” hay “Tình trạng kiệt sức khiến bạn kiệt sức ở công sở” bởi những người làm việc theo hình thức freelance, remote-working cũng có nguy cơ bị burn-out. Trong bài viết này, người viết nêu ra những nguyên nhân và biểu hiện của trạng thái burnout. Bên cạnh đó, mình cũng “mách” cho người đọc vài cách để đối phó với tình trạng này theo 2 góc nhìn khác nhau: nhân sự bình thường và nhà quản lý.
1. Burn out là gì ?
Thuật ngữ “burnout syndrome” được nhắc đến lần đầu tiên trong một bài báo khoa học do Herbert Freudenberger công bố trên một tập san về tâm lý học năm 1974. Theo định nghĩa của Tổ chức y tế thế giới (WHO), burnout xảy ra khi bạn cảm thấy quá tải và không hoàn thành những kỳ vọng trong công việc.Những biểu hiện thường thấy ở người đang burnout là thường xuyên suy nghĩ tiêu cực về công việc, hoài nghi về năng lực bản thân và ý nghĩa công việc, khó tập trung và giảm năng suất làm việc. Burnout là một vấn đề thuộc về sức khỏe tinh thần, thế nhưng đi kèm theo đó có thể là những bệnh lý về thể chất của con người như khó ngủ, đau đầu, mỏi vai gáy.
Nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn trong thời gian dài, bạn sẽ mất hứng thú và không còn động lực để làm việc. Rốt cuộc, lí do gì đã làm bạn kiêt sức đến thế, có hẳn chỉ là do công việc khó hay còn nguyên nhân sâu xa khác nữa?
![https://admin.blog.hiwatermelon.com/uploads/1_1ce461fa6b.webp](https://admin.blog.hiwatermelon.com/uploads/1_1ce461fa6b.webp)
2. Làm rõ nguyên nhân khiến bạn burnout:
2.1. Do công việc:
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau trong công việc là tác nhân làm bạn kiệt sức. Dưới đây chỉ là những nguyên nhân phổ biến:
- Do môi trường làm việc: Môi trường làm việc không chỉ là không gian vật lý mà còn là văn hóa công ty, những người đồng nghiệp, cấp trên và giờ giấc làm việc. Đồng nghiệp trong công ty chia bè kết phái và cô lập bạn. Cấp trên khiển trách và không công nhận những cố gắng trong công việc. Giờ giấc và văn hóa làm việc ở công ty bạn đề cao OT (overtime - làm thêm giờ/tăng ca). Hẳn sẽ rất khó chịu cho bạn nếu vướng vào một hoặc tất cả những điều trên. Mọi động lực làm việc đều sẽ tan biến nếu bạn cứ chịu đựng những vấn đề này 40-50 tiếng/ tuần.
- Do khối lượng công việc tại thời điểm đó: Mọi yếu tố tại môi trường làm việc đều hoàn hảo nhưng khối lượng công việc trong tuần này quá nhiều so với quỹ thời gian của bạn. Tất nhiên là để bù vào khoảng thời gian hành chính bị thiếu đó, bạn phải hy sinh thời gian của bản thân nhằm đảm bảo công việc được hoàn thành đúng tiến độ. Khi tình trạng này cứ tiếp diễn, bạn sẽ không thể cân bằng được giữa thời gian cho công việc và cho cá nhân rồi dần cảm thấy kiệt sức.
2.2. Do lối sống:
- Nhận quá nhiều trách nhiệm, không có đủ sự giúp đỡ từ người khác: Khác với việc bạn có khối lượng công việc lớn trong thời gian ngắn, bạn có quyền chủ động chỉ nhận vừa đủ những trách nhiệm được giao. Tùy theo quỹ thời gian và nguồn lực sức khỏe, bạn có thể nhận nhiều trách nhiệm so với bình thường khoảng 10-20% để thử thách bản thân. Tuy nhiên, việc ôm đồm trách nhiệm gấp nhiều lần so với bình thường là hoàn toàn không nên. Thời điểm mà bạn không thể hoàn thành tốt trách nhiệm đã nhận, sức khỏe tinh thần của bạn có thể bị gây hại bởi bạn sẽ cảm thấy mình đã thất bại trong việc giữ trách nhiệm. Nhiều câu hỏi về năng lực bản thân, sự vô dụng của chính mình sẽ xoay vòng trong đầu bạn. Tin mình đi, không có điều gì tồi tệ hơn việc tự trách bản thân rồi chìm trong những suy nghĩ tiêu cực đó.
- Không cân bằng tốt giữa cuộc sống và công việc dẫn tới thiếu thời gian nghỉ ngơi: Thế hệ Millennials & GenZ ngày càng năng động hơn, sống vội vã hơn và luôn cố gắng hết sức mình để tiến xa càng nhanh càng tốt trên con đường sự nghiệp. Chính vì thế, nhiều người bỏ qua mọi điều khác trong cuộc sống để dành toàn bộ thời gian và tâm trí cho công việc. Một ngày thứ 6 chỉ ngủ 4-5 tiếng để kịp hoàn thành bài báo cáo cho cấp trên có vẻ không gây hại nhiều cho sức khỏe của bạn. Tuy nhiên, cả tuần hay thậm chí là cả tháng làm việc quần quật mà không ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày có thể bào mòn sức trẻ và sức khỏe của bạn nhanh chóng. Nhìn xa trông rộng một tí, nếu tiền lương chỉ vừa đủ cho tiền thuốc men của 20,30 năm sau đó thi làm việc quần quật như vậy không đáng chút nào đúng không.
2.3. Do sự kỳ vọng:
Sự kỳ vọng ở đây có thể tới từ người thân, xã hội hay đôi khi chính là do bạn tự tạo ra cho mình. Về bản chất, sự kỳ vọng giúp con người ta có động lực để tiến lên phía trước và trở thành phiên bản tốt nhất. Tuy nhiên, sự kỳ vọng vượt quá ngưỡng thực tế sẽ làm người đó cảm thấy bản thân yếu kém, hụt hẫng. Sai lầm mà nhiều người trẻ hiện nay mắc phải nhất là đặt kỳ vọng quá lớn vào bản thân. Biểu hiện của việc này là tự so sánh bản thân với những người xung quanh. Những câu hỏi như: “Tại sao mình chưa được như họ?” “Nếu mình làm việc chăm chỉ hơn nữa liệu có nhanh chóng thành công giống họ không? ”cứ liên tục lởn vởn trong đầu.
3. Cách khắc phục burnout:
3.1. Đối với nhân sự bình thường:
- Quản lý công việc một cách khoa học: Một trong những lý do chính khiến bạn cảm thấy kiệt sức có thể là do bạn chưa biết cách quản lý công việc tốt. Khi thời điểm nộp càng tới gần mà bạn vẫn chưa thể hoàn thành công việc, bạn sẽ cảm thấy cực kì áp lực. Một trong những mô hình phổ biến và hiệu quả nhất để quản lý công việc dành cho cá nhân chính là Mô hình quản lý thời gian Eisenhower. Mô hình này giúp bạn phân loại các đầu việc của mình vào 4 loại cấp độ khác nhau bao gồm:
- Cấp độ 1 (P1): Quan trọng, khẩn cấp
- Cấp độ 2 (P2): Quan trọng, không khẩn cấp
- Cấp độ 3 (P3): Không quan trọng, khẩn cấp
- Cấp độ 4 (P4): Không quan trọng, không khẩn cấp
Ngoài mô hình quản lý trên thì vẫn có rất nhiều mô hình quản lý công việc, thời gian khác mà bạn có thể tự tham khảo. Quan trọng nhất vẫn là phương pháp nào sẽ phù hợp với bạn nhất và bạn sẽ cam kết thực hiện nó trong bao lâu. Good things take time.
Tâm sự, xin lời khuyên từ cấp trên, mentor: Burnout là một vấn đề không ai tránh được, quan trọng là bạn chấp nhận nó và cố gắng để vượt qua nó. Đôi khi, việc kêu gọi sự giúp đỡ, xin lời khuyên từ người khác hay thậm chí là tâm sự những điều bạn đang chịu đựng sẽ tốt hơn so với việc bạn chịu trận một mình rồi kiệt sức. Dù gì mình và bạn cũng đều là người thường, sẽ có lúc mệt mỏi và chán chường trong cuộc sống nhưng đừng vì thế mà nản lòng. Trong một webinar dành cho các bạn gen Z, chị N.Q có kể về trải nghiệm làm MT (Management Trainee - Quản trị viên tập sự) tại một tập đoàn lớn. Do tính chất công việc và cách quản lý công việc chưa hiệu quả của mình, nhiều thứ dồn nến cùng lúc đã khiến chị N.Q đã bật khóc vì cảm thấy không thể hoàn thành nổi bài thuyết trình quan trọng cho ngày mai. Lúc đó, chị đã gọi điện cho cấp trên trực tiếp và kể ra hết những khó khăn và tâm trạng mà mình đang gặp phải. May mắn là chị N.Q đã được cấp trên động viên để bình tĩnh hơn và cùng chị ấy hoàn thành bài thuyết trình đó. Bài học rút ra ở đây là burnout không đáng sợ, đáng sợ là việc bạn không tìm kiếm sự giúp đỡ và âm thầm chịu đựng nó một mình.
3.2 Đối với nhà quản lý:
Đối với công cụ dành cho các nhà quản lý, tác giả sách nổi tiếng Adam Grant có gợi ý cho mọi người thử áp dụng mô hình kiểm soát công việc Jod Demand Control vào trong cuộc sống cá nhân lẫn công việc. Cụ thể, mô hình này sẽ dựa vào 2 yếu tố Nhu cầu công việc và Quyết định công việc để phân loại các đầu việc cần làm thành 4 loại công việc khác nhau.
- Công việc ít căng thẳng (Quyết định công việc cao + Nhu cầu công việc thấp)
- Công việc căng thẳng (Quyết định công việc thấp + Nhu cầu công việc cao)
- Công việc thụ động (Quyết định công việc thấp + Nhu cầu công việc thấp)
- Công việc tích cực (Quyết định công việc cao + Nhu cầu công việc cao
Mô hình này giúp người quản lý có cái nhìn tổng quan về khối lượng công việc của nhân sự hơn và đưa ra những quyết định hỗ trợ tốt hơn. Nếu một nhân viên thấy khối lượng công việc của anh ta cao vì số lượng nhiệm vụ anh ta cần hoàn thành lớn, người quản lý có thể hỏi anh ấy về mức độ kiểm soát và đưa ra lời khuyên giúp nhân viên đó xử lý khối lượng công việc tốt hơn. Bên cạnh đó, nếu mô hình kiểm soát công việc cho thấy anh ta đang làm việc “quá tải” và ảnh hưởng tiêu cực đến tổ chức thì người quản lý cần xem xét tạm thời giao cho anh ta những đầu việc có độ khó và sức nặng vừa phải.
Điều quan trọng nhất là bạn cần học cách sắp xếp công việc và dung hòa mọi khía cạnh trong cuộc sống thật tốt, thì việc tránh burnout là hoàn toàn có thể. Phần lớn mọi vấn đề trong cuộc sống của bạn đều có thể do bạn tự giải quyết và quyết định. Tác giả nổi tiếng Paulo Coelho – cha đẻ của tác phẩm “Nhà giả kim” đã nói rằng: “Khi bạn lặp lại một lỗi lầm, nó không còn là một sai lầm nữa: đó là một quyết định.” Đừng để bản thân rơi vào vũng lầy burnout bạn nhé, hãy quyết định sống vui vẻ và tràn đầy sức sống mỗi ngày.